Mối quan hệ giữa mẹ và con trai – VỤ GIA ĐÌNH
Mối quan hệ giữa mẹ và con trai là một mối quan hệ đặc biệt, ở đây nổi bật nhất là tình mẫu tử; tiếp theo đó, người mẹ thường tìm thấy ở người con trai của mình những điều tốt đẹp nhất mà người yêu năm xưa và chính là người chồng hiện nay mình sở hữu. Nhưng khác với quan hệ của bố với con gái, quan hệ của mẹ với con trai không bị vấn đề giới tính chi phối nhiều (đương nhiên vẫn có ảnh hưởng). Điều này có lẽ đối với người mẹ, con (đặc biệt là con trai) dù có lớn đến đâu, đối với họ vẫn là đứa con bé bỏng. Có những cụ bà 90 tuổi, trong câu chuyện, vẫn luôn dùng cụm từ “thằng bé nhà tôi” để nói về người con trai đã 70 tuổi của bà. Do vậy, mối quan hệ giữa mẹ và con trai thiên về tình cảm hơn là lý trí, nghĩa là trong mối quan hệ này, tình cảm là điều nổi bật nhất, nó chi phối những thứ còn lại.
Mẹ-con trai: Mối quan hệ đầy cảm tính
Trong mối quan hệ của mẹ với con trai, có rất nhiều điều mâu thuẫn rất đáng yêu. Người ta kết luận rằng: “Mọi bà mẹ đều muốn con trai mình lớn lên làm tổng thống, nhưng lại không thích con hoạt động như một chính trị gia”.
Câu nói diễn tả rất đúng mối quan hệ giữa mẹ và con trai. Câu nói này có thể hiểu như sau: Người mẹ luôn mong muốn con trai thành đạt, nhưng không muốn con vất vả, lao vào những cuộc đấu đá khốc liệt, lao tâm khổ tứ trong thương trường, chính trường. Tóm lại, người mẹ vẫn yêu thương con trai bằng trái tim, nhiều khi xử sự không đúng logic lý trí, nhưng luôn đúng về phương diện tình cảm con người.
Đối với một cậu con trai ngoan ngoãn, hiếu thảo và được giáo dục bài bản, mẹ luôn luôn là người có vai trò quan trọng nhất trong cuộc đời. Với tình yêu thương vô bờ bến, cậu luôn xem mẹ là người hoàn hảo nhất, đáng yêu, đáng kính nhất. Do đó, cậu muốn sau này sẽ có bạn gái hay lấy được cô vợ giống y như mẹ mình. Cách suy nghĩ này ít nhiều ảnh hưởng trở lại mối quan hệ mẹ – con, khi người con trai xem mẹ là đỉnh cao của nữ tính.
Người ta nói rằng con gái thích bố hơn, trong khi con trai có phần gắn bó với mẹ. Tình yêu của một người mẹ luôn khiến con trai mạnh mẽ hơn và cân bằng hơn trong cuộc sống. Nhưng khi tình yêu ấy trở thành sự thống trị, mối quan hệ mẹ-con trai bắt đầu căng thẳng.
Điểm tinh tế nhất trong mối quan hệ mẹ-con trai bộc lộ khi có người phụ nữ khác bước vào cuộc sống của con trai, bất kể là bạn gái hay vợ. Đó là lúc người mẹ bắt đầu cảm thấy bất an, lo sợ ai đó sẽ thay thế mất vị trí của bà. (Chính vì vậy quan hệ mẹ chồng-nàng dâu luôn luôn có vấn đề).
Và người con trai nên thể hiện cho mẹ hiểu bà luôn là người quan trọng nhất trong cuộc đời mình và không ai có thể thay thế được vị trí của bà. Cùng lúc, người mẹ cũng nên để con trai “tự do”, không thể kè kè bên con hoặc để mắt đến con mọi lúc như xưa nữa.
Để làm được điều đó đòi hỏi nỗ lực từ cả hai phía, mẹ và con, và không thể là chuyện một sớm một chiều. Mỗi người luôn luôn phải không ngừng cố gắng để mối quan hệ thấm đẫm tình cảm này có sự tỉnh táo của khách quan. Điều này rất quan trọng khi người con trai trưởng thành, xây dựng gia đình riêng.
Những xung đột có thể giảng hòa
Trong thực tế cuộc sống, ngoài những lúc quan hệ mẹ con nồng ấm, khăng khít, vẫn có những lúc xẩy ra trường hợp mẹ và con trai có mâu thuẫn, thậm chí là xung đột. Xem xét kỹ, có thể thấy hầu như tất cả sự căng thẳng này có thể giảng hòa, bởi chủ yếu chúng xẩy ra do sự hiểu lầm hoặc cách nhìn nhận khác nhau về sự việc, hiện tượng.
Điều chỉnh để phù hợp với mâu thuẫn
Những mâu thuẫn thường gặp là vấn đề nghề nghiệp và quan hệ bạn bè. Hầu hết thanh niên đều muốn tìm và chọn cho mình một nghề phù hợp với khả năng; trong khi đó, bố mẹ lại có thể muốn con tìm nghề phù hợp với sở thích của bố mẹ như cho rằng có thể dễ xin việc, nhàn hạ, có thu nhập cao.
Mâu thuẫn nảy sinh ngay trong sự định hướng việc học tập. Khi ấy, người mẹ, bằng sự khéo léo, kiên nhẫn có thể trò chuyện, phân tích cho những lựa chọn của con trai để hiểu thêm lý do lựa chọn hoặc góp ý kiến bằng kinh nghiệm của người đi trước.
Những tình bạn cùng giới hay khác giới ở tuổi thanh thiếu niên luôn luôn làm cha mẹ, nhất là người mẹ phải quan tâm lo lắng. Trong khi đó, tình bạn, nhất là tình bạn khác giới lại là bí mật của con trai. Sẽ rất rắc rối, thậm chí là căng thẳng cho những người mẹ nào “lên tiếng” không đúng lúc. Vì nếu mối quan hệ tốt đẹp và nghiêm túc, sớm hay muộn người con trai cũng tìm cách tâm sự với mẹ, hỏi ý kiến và chờ những nhận xét tốt đẹp từ mẹ. Ngược lại, mẹ có lý do và quyền tìm hiểu vấn đề này, nhưng cần khéo léo không làm cho con thấy mình bị kiểm soát và bị xúc phạm. Đây là một điều hết sức tế nhị và nhạy cảm, cần sự cảm nhận chính xác từ trái tim người mẹ.
Đối với con, cha và mẹ đại diện cho một sự hoàn mỹ, một sức mạnh toàn bộ, một sự che chở. Đó là hình ảnh của quyền lực, của tình yêu thương và chia sẻ mà từ đó trong mối quan hệ và tình cảm giữa cha mẹ và các con trở nên gắn bó khăng khít cho tới suốt cuộc đời