Khu di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên: Nơi mong đến chốn ước về
Nằm trên đỉnh Núi Nưa ở làng Cổ Định, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, quần thể di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên là 1 quần thể bao gồm “Núi Nưa – Đền Nưa – Am Tiên”, với tổng diện tích 100 ha, gắn với sự tích cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu.
Dù đã đổi thay nhiều, nhưng không gian của núi thiêng dường như vẫn vẹn nguyên vẻ hoang sơ, mờ ảo như chính những câu chuyện kỳ bí được lưu truyền qua bao đời ở vùng đất này.
Di tích lịch sử danh lam thắng cảnh núi Nưa
Theo sử sách, năm 248, Triệu Thị Trinh (tức Bà Triệu) cùng người anh trai Triệu Quốc Đạt, một huyện lệnh có thế lực trong vùng, đã tập hợp nghĩa sĩ, chọn núi Nưa làm căn cứ để luyện tập võ nghệ, dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi quân Đông Ngô xâm lược.
Cuộc khởi nghĩa sau đó tuy đã thất bại, nữ tướng phải tuẫn tiết ở núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay) nhưng câu nói của bà: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta” nhiều đời sau vẫn còn lưu truyền mãi.
Trải qua hàng ngàn năm, dấu tích trên ngọn núi này đã bị xóa mờ theo thời gian, nhưng những câu chuyện về giếng tiên, bàn cờ tiên, vườn thuốc tiên, động am tiên… vẫn còn được kể và lưu truyền đến tận ngày nay và thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách. Tiến sĩ Dương Thị Thanh Hương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhận định, Khu di tích là nơi giáo dục truyền thống yêu nước rất đáng tự hào không chỉ của tỉnh Thanh Hóa.
“Nơi đây là vùng đất thiêng, thiên nhiên trong lành. Tôi thấy nơi đây tôn tạo, duy trì, bảo vệ môi trường cảnh quan rất tốt. Chính vì vậy đây cũng là nơi tôn vinh truyền thống yêu nước đánh giặc ngoại xâm cũng như tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam trong những dịp tết đến xuân về. Đây là nơi về nguồn đáng quý, đáng trân trọng, đáng giữ gìn của Thanh Hóa và cũng như của quốc gia”, Tiến sĩ Dương Thị Thanh Hương nói.
Trên đỉnh ngàn Nưa, ngoài Am Tiên – là nơi thờ Thánh Mẫu, thờ Phật…còn có nhiều địa điểm kỳ bí như bàn cờ Tiên – tương truyền là nơi các tiên ông thấy cảnh đẹp thường lui tới thượng cờ, ngồi ngắm núi sông làng mạc, cho đến bây giờ dấu tích bàn cờ tiên vẫn được gìn giữ và bảo tồn. Hay chuyện giếng Tiên không bao giờ cạn dù nhiều năm quanh vùng khô cạn nhưng giếng vẫn đầy nước và trong xanh, ai tới giếng cầu xin nước về uống sẽ gặp được nhiều may mắn.
Rồi chuyện về vườn đào Tiên, vườn thuốc Tiên… vì thế mà đến ngày nay, dưới đỉnh Am Tiên vẫn còn lưu truyền nhiều câu chuyện thần tiên, như các tiên ông xuống chợ, chuyện về những cây cổ thụ ngàn năm tuổi dùng để cột voi…
Anh Hoàng Văn Toàn, 1 du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, điều quý giá nhất là Am Tiên vẫn giữ được nét cổ kính xưa và quy tắc đền chùa, không bị thương mại hóa. “Không khí, môi trường, cảnh quan ở đây khá nề nếp, ngăn nắp và có nét cổ kính xưa. Đây là điều mà nhiều nơi đình chùa khác không có được vì mang tính chất hiện đại không phù hợp. Tôi cũng mong muốn Am Tiên có thể thay đổi để khang trang đẹp nhưng phải giữ được nét cổ truyền”, anh nói.
Am Tiên có biết bao truyền thuyết huyền bí, mà ngay cả khoa học cũng chưa giải thích được. Ngay cả đối với ông Lê Bật Sơn, Thủ từ Đền này, người đã sống trên núi cùng cha từ nhỏ, am tường từng địa danh, nhớ hết từng gốc cây, ngọn cỏ trên đỉnh ngàn Nưa này, nhưng nhiều câu chuyện với ông vẫn là bí ẩn.
Theo sử sách, nước ta có 3 huyệt đạo thiêng gồm núi Đá Chông (huyện Ba Vì, TP Hà Nội), núi Bà Đen (xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) và núi Nưa (xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Huyệt đạo trên đỉnh ngàn Nưa được đánh giá là một trong những huyệt đạo linh thiêng nhất nước Nam.
Ông Lê Bật Sơn, Thủ từ Đền Am Tiêm cho biết, đây chính là nơi giao thoa giữa đất và trời, nên ta có thể cảm nhận được sự chuyển động của vũ trụ. Khi đứng ở huyệt đạo, nếu du khách nắm tay, nhắm mắt lại, sau đó thả lỏng cơ thể sẽ thấy tâm hồn như đang bay bổng. Ngày mồng 9 âm lịch hàng năm chính là ngày mở cửa trời, nên cho dù ngày đó trời có mưa gió, bão bùng thì có một thời khắc nhất định núi Nưa sẽ quang đãng, hanh thông, đất trời như rộng mở. Hay mỗi lần đất nước có sự đổi thay nào đó, đêm đến người dân quanh vùng lại thấy có một vệt sáng trên đỉnh ngàn Nưa.
Ông Lê Bật Sơn nói: “3 cái sạch, 1 là không khí sạch, 2 là văn hóa sạch, 3 là vệ sinh môi trường sạch, mà chúng ta cần phối hợp với chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành liên quan, nghiêm túc thực hiện. Chúng ta không thay đổi, biến dạng những nề nếp văn hóa chung của di tích này – nơi gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu ở núi nưa”.
Dự kiến, mùa lễ hội Am Tiên xuân Canh Tý 2020 sẽ khai mạc vào ngày mùng 9 tháng giêng, và kéo dài đến ngày 20. Như thường lệ, lượng khách về Am Tiên mùa lễ hội đầu năm rất đông vì vậy ban tổ chức đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị, đặc biệt là thắt chặt quản lý, đảm bảo an toàn cho du khách./.