Những điều cần biết về xét nghiệm nhóm máu Rh
Trong phiếu kết quả xét nghiệm nhóm máu thường ghi A Rh (+), A là thuộc nhóm máu hệ hồng cầu ABO, vậy còn Rh (+) là gì? Nhóm máu hệ Rh có đặc điểm gì khác với nhóm máu hệ ABO không? Mời bạn cùng đón đọc bài viết dưới đây.
Mục Lục
1. Xét nghiệm nhóm máu Rh
Hơn 90% người Việt Nam có nhóm máu Rh (+).
Nếu nhóm máu hệ hồng cầu ABO có 4 loại kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu thì với hệ Rh có gần 50 loại kháng nguyên trên bề mặt của tế bào hồng cầu, trong đó 5 loại quan trọng là D, C, c, E và e.
Kháng nguyên D là kháng nguyên bề mặt quan trọng nhất của nhóm máu hệ Rh vì nó có tính sinh miễn dịch rất mạnh. Nếu trên tế bào hồng cầu của một người có sự hiện diện của kháng nguyên D, có thể kết luận rằng người đó mang nhóm máu Rh dương hay còn gọi là Rh (D) dương. Hơn 90% người Việt Nam có nhóm máu Rh (+). Nhóm máu Rh (-) chiếm tỷ lệ vô cùng thấp, chưa tới 10% người dân cả nước thuộc hệ Rh (-). Con số này chứng tỏ cộng đồng người Việt Nam có nhóm máu Rh (-) rất khan hiếm.
2. Ý nghĩa của xét nghiệm nhóm máu hệ Rh
Kháng nguyên D là một kháng nguyên quan trọng nhất của nhóm máu hệ Rh. Mục đích của xét nghiệm nhóm máu Rh là để đánh giá sự có mặt của kháng nguyên D trên bề mặt tế bào hồng cầu trong máu. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trong trong các truyền máu, bất đồng nhóm máu mẹ con hệ Rh.
Xét nghiệm nhóm máu Rh là một xét nghiệm cơ bản và cần thiết cho bất kỳ đối tượng nào.
a. Trong truyền máu
Xét nghiệm nhóm máu được chỉ định trước khi truyền máu hoặc truyền các chế phẩm sinh học của máu vào cơ thể người nhận (người bị thiếu máu). Người có nhóm máu Rh (-) chỉ nhận được máu của người thuộc cùng nhóm máu cũng là Rh (-). Nếu người thuộc Rh (-) được truyền nhóm máu Rh (+) sẽ gây ra phản ứng shock, tan máu và nguy cơ tử vong rất cao do sự không hòa hợp về kháng nguyên D giữa người cho và người nhận.
b. Dự phòng bệnh tán huyết ở trẻ sơ sinh.
Trong sản khoa, trường hợp hay gặp nhất là mẹ có nhóm máu Rh (-), ba có nhóm máu Rh (+) thì khả năng rất cao con sinh ra sẽ có cùng nhóm máu với ba vì Rh (+) là một di truyền trội. Con có nhóm máu Rh (+) nghĩa là có kháng nguyên D trên bề mặt hồng cầu. Một lượng nhỏ kháng nguyên D từ bào thai truyền sang máu mẹ, kích thích cơ thể mẹ sản sinh ra kháng thể kháng D. Điều này sẽ không có gì nguy hiểm cho mẹ và bé ở lần mang thai đầu.
Nếu lần mang thai thứ 2, thai nhi thuộc Rh (+), kháng thể đã tạo ra trong lần mang thai trước đó sẽ kết hợp với kháng nguyên D của thai nhi. Lúc này, bệnh tán huyết ở trẻ sơ sinh mới thật sự xảy ra. Để dự phòng trường hợp bất thường nhóm mẹ con, bác sĩ sản – phụ khoa sẽ chỉ định tiêm 2 liều huyết thanh miễn dịch Rh (Rh immune – globulin) trong thời gian mang thai. Liều đầu tiên khi người mẹ mang thai được 28 tuần và liều thứ hai được tiêm trong vòng 72 giờ sau sinh.
Nhóm máu Rh (-) là nhóm máu hiếm, AB Rh (-) còn hiếm hơn gấp bội lần.
Xét nghiệm nhóm máu Rh là một xét nghiệm cơ bản và cần thiết cho bất kỳ đối tượng nào. Phụ nữ mang thai, phụ nữ chưa mang thai hay đàn ông đều cần thực hiện xét nghiệm để biết nhóm máu của mình là Rh dương hay Rh âm. Nếu phát hiện ra mình thuộc nhóm máu hiếm (Rh âm) thì cần báo với bác sĩ trong trường hợp có truyền hay nhận máu với người khác. Phụ nữ mang thai và chồng cũng cần làm xét nghiệm máu Rh để hạn chế hiện tượng bất đồng nhóm máu Rh mẹ con, gây những tổn thương nghiêm trọng cho sức khỏe đứa bé.
Nhóm máu Rh (-) là nhóm máu hiếm, AB Rh (-) còn hiếm hơn gấp bội lần. Khi khám sức khỏe định kỳ hay khám chữa bệnh tại các bệnh viện, bạn nên chủ động xét nghiệm để biết nhóm máu của mình càng sớm càng tốt. Hi vọng qua bài viết của IVIE – Bác sĩ ơi bạn đã có thêm những thông tin hữu ích.