Ông Phạm Văn Tam: ‘Asanzo vượt dịch thành công nhờ chuyển đổi số’

Ông Phạm Văn Tam cho hay Asanzo đã chuyển đổi số, thay đổi mô hình làm việc và quản lý bằng công nghệ để vượt qua những rào cản mà Covid-19 tạo ra.

Giảm nhân lực, tăng công nghệ

“Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, chỉ thị giãn cách xã hội được đưa ra, chúng tôi xác định rằng mình phải tự cứu lấy doanh nghiệp. Giải pháp được đưa ra là giảm nhân lực, áp dụng công nghệ vào các khâu làm việc thủ công hàng ngày, chuyển từ vận hành trực tiếp sang trực tuyến”, ông Phạm Văn Tam, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Asanzo, chia sẻ với VnExpress.

Tất cả bộ phận của Asanzo được ban lãnh đạo sàng lọc lại và chia thành 3 nhóm: nhóm làm việc ở nhà, nhóm làm việc tại văn phòng và nhóm làm việc tại nhà máy.

Ông Phạm Văn Tam - nhà sáng lập kiêm chủ tịch Asanzo. Ảnh: Hữu Khoa

Ông Phạm Văn Tam – nhà sáng lập kiêm chủ tịch Asanzo. Ảnh: Hữu Khoa

Với nhóm làm việc tại nhà và văn phòng, những nhân viên nào không đủ năng lực sử dụng công nghệ và không đáp ứng được cách thức làm việc mới bị đào thải. Toàn bộ nhân viên được quản lý bằng phần mềm thống kê sản phẩm, doanh thu, thay vì quản lý theo thời gian làm việc như trước đây. Từ bộ phận duyệt đơn hàng, giám sát, bộ phận tiếp nhận phản hồi của khách hay marketing đều thể hiện tiến độ và hiệu quả công việc qua phần mềm. Các vướng mắc cũng được trao đổi, báo cáo ngay trên nền tảng này để lãnh đạo có cái nhìn bao quát và kịp thời xử lý.

“Còn nhớ năm ngoái, khi lần đầu áp dụng hình thức làm việc online, cả lãnh đạo lẫn nhân viên Asanzo đều bỡ ngỡ, tìm cách kết nối với nhau. Người này hỏi người kia, nghi ngờ người nọ vì sử dụng phần mềm chưa thành thạo. May mắn rằng đợt dịch năm nay, chúng tôi đã rút được kinh nghiệm và chuẩn bị một nền tảng công nghệ tốt, tương thích với hoạt động của doanh nghiệp. Anh em nhân viên làm việc từ xa cũng rất tự giác, hiệu quả”, ông Tam cho hay.

Với nhóm công nhân sản xuất trực tiếp tại nhà máy, Asanzo chỉ duy trì 20% lượng nhân lực để áp dụng phương thức “3 tại chỗ” và giám sát từ xa thông qua quản đốc.

Để hạn chế tiếp xúc, tự động hoá được áp dụng tối đa. Chẳng hạn, việc xuất hàng từ kho không còn cần 2-3 người bê vác, di chuyển, mà thay vào đó là dùng băng tải tự động, kiểm tra hàng bằng mã vạch QR Code. Công nhân cũng đứng tại chỗ thao tác trên dây chuyền lắp ráp tự động. Khu nhà máy hoàn toàn tách biệt với khu văn phòng để đề phòng lây nhiễm, mọi trao đổi chỉ diễn ra qua các nền tảng công nghệ.

Nhờ chuyển đổi số, Asanzo đã cắt giảm được đáng kể chi phí nhân lực, bù đắp cho khoản chi phí sản xuất gia tăng và lượng hàng bán ra bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

“Dù rất buồn nhưng công ty nào cũng cần sàng lọc đề tồn tại. Trong thời điểm khó khăn và phải làm việc từ xa, chỉ những nhân viên nào có tinh thần học hỏi, tự giác, đáp ứng được cách làm việc chuyên nghiệp mới có thể duy trì”, ông Tam nói.

Công nghệ là yếu tố ‘sống còn’

Là một doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử điện lạnh, lãnh đạo Asanzo xác định tiến trình chuyển đổi số sẽ phức tạp và cần nhiều thời gian hơn do liên quan nhiều khâu, từ nhập nguyên liệu, lắp ráp đến đóng gói, vận chuyển, chăm sóc khách hàng… Việc đưa robot vào thay thế nhân công trong nhà máy đòi hỏi đầu tư hàng trăm nghìn đến hàng triệu đô.

Tuy nhiên, ông Tam xem chuyển đổi số là yếu tố “sống còn”, bởi không cải tiến công nghệ trong quản lý và sản xuất đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ “giẫm chân tại chỗ”.

“Chấp nhận chuyển đổi số là chấp nhận sai sót, thậm chí có cả mất mát. Nhưng phải đặt niềm tin vào công nghệ, nếu không sẽ không phát triển được. Chúng tôi may mắn đã kịp thời thay đổi, giúp bộ máy vận hành trở nên nhẹ nhàng, trơn tru ngay cả trong cao điểm dịch bệnh”, ông nói.

Các công nhân Asanzo đang lắp ráp dàn lạnh vào tháng 3/2020. Ảnh: Hữu Khoa

Các công nhân Asanzo đang lắp ráp dàn lạnh vào tháng 3/2020. Ảnh: Hữu Khoa

Bốn tháng qua, Chủ tịch Asanzo ra miền Bắc công tác, nhưng mọi công việc tại nhà máy trong Nam vẫn diễn ra bình thường.

“Có những đối tác hỏi rằng tôi quản lý thế nào với nhà máy sản xuất hàng nghìn nhân công? Ngày xưa tôi mải mê giám sát nhân viên làm việc, nghe từng bộ phận báo cáo, thậm chí giải quyết cả xích mích. Bây giờ, việc quản lý đã trở nên nhàn hơn trước, đó chính là nhờ có công nghệ”, ông giải thích.

Ông Tam cho rằng đây chính là “trong cái rủi có cái may”. Nhờ đại dịch mà Asanzo có một ngũ nhân lực tinh nhuệ hơn. Thay vì phải chi hàng chục nghìn đô mỗi tháng để thuê chuyên gia đào tạo về công nghệ như trước đây, họ đã tự mình học hỏi, đổi mới để tồn tại cùng công ty. Đây là cơ sở vững chắc để một khi thị trường hoạt động mạnh trở lại, doanh nghiệp vẫn đủ năng lực để đáp ứng.

Hiện tỷ lệ tự động hoá ở Asanzo là khoảng 20%. Với nền tảng công nghệ hiện có, ông Tam mong muốn nâng con số này lên 80% trong tương lai khi Asanzo mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

“Đại dịch là cơ hội để các doanh nghiệp, trong đó có chúng tôi, có cơ hội nhìn lại những thiếu sót trong hoạt động bấy lâu nay, nắm bắt thời cơ để thay đổi mình thay vì chăm chăm đi theo lối mòn truyền thống, tạo đà bứt phá hậu Covid-19”, ông nói.

Anh Ngọc

Alternate Text Gọi ngay