Phía sau chuyện ‘được minh oan’ của Asanzo

Một thông tin đáng chú ý từ buổi họp báo ngày 17/9 tại Hà Nội của Asanzo để công bố “được minh oan”, đó là công ty này dẫn lại kết luận từ Tổ công tác của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Các “sản phẩm điện tử Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hoá “sản xuất tại Việt Nam”, hoặc “chế tạo tại Việt Nam”, “nước sản xuất Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hoặc “sản xuất bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật”.

Khủng hoảng lòng tin

Việc họp báo để “minh oan” có vẻ kém khách quan và thiếu thuyết phục khi vắng sự hiện diện của đại diện các cơ quan quản lý có liên quan. Còn theo chia sẻ của ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia (chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả), hiện nay, đơn vị này chưa nhận được báo cáo nào liên quan đến kết luận về vụ Asanzo.

Trong khi đó, nhìn từ vụ việc này, một vấn đề được đặt ra là việc nhiều doanh nghiệp (DN) lo ngại về việc tự xác định và ghi nhãn “sản xuất tại Việt Nam” như hiện nay không biết có đảm bảo chính xác không? Liệu Bộ Công Thương có tính đến khả năng Nhà nước có cơ quan đứng ra đánh giá và cấp giấy công nhận để họ yên tâm?

Bộ Công Thương cho biết chưa bao giờ tính đến khả năng này bởi cơ chế “đánh giá – công nhận” sẽ thực sự là gánh nặng cho cả DN cũng như cơ quan quản lý. Trong dự thảo thông tư mới quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, nếu được ban hành, theo Bộ Công Thương, cũng sẽ do DN tự thực hiện. Nhà nước chỉ sử dụng thông tư để phân xử đúng – sai khi xuất hiện tình huống đòi hỏi phải có sự phân xử đúng – sai.

Có thể thấy, Asanzo đang muốn khép lại “khủng hoảng về lòng tin” ở người tiêu dùng Việt trong vài tháng nay để tự mình tuyên bố “được minh oan”, hoạt động trở lại và mở thêm nhà máy.

Tuy nhiên, nhìn rộng ra về câu chuyện “khủng hoảng” này, dưới góc nhìn của một chuyên gia truyền thông thương hiệu DN, ông Nguyễn Văn Thân, Giám đốc CTCP truyền thông Lối Đi Việt, nhấn mạnh: “Anh đã sai với khách hàng rồi. Đó là sự thật, dù ít dù nhiều”.

Ông Thân cũng bày tỏ sự lo lắng Asanzo chỉ là khởi đầu cho “cơn bão” thanh lọc thương mại tất yếu, đầy “đau thương”, nhất là mối lo từ những DN nội địa khác có chuỗi giá trị yếu, lợi thế cạnh tranh kém.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý chất lượng sản phẩm càng cao thì xác suất khủng hoảng của DN càng thấp và ngược lại. Biết là vậy nhưng nhiều DN trong nước hiện nay vẫn đang “ngồi trên đống lửa” vì chất lượng sản phẩm kém. Thực tế, khủng hoảng về chất lượng là mối lo hàng đầu của DN, đặc biệtlà các DN Việt. Nếu xử lý không tốt thì “đám cháy” sẽ lây lan toàn diện.

doanh-nghiep-Viet-xay-dung-thu-2384-6756

Với DN Việt, xây thương hiệu đã khó, giữ uy tín thương hiệu càng khó hơn 

Coi chừng “vết xe đổ”

Không những thế, từ khủng hoảng này mới thấy rằng mặt yếu của DN Việt, nhất là với những DN có mức độ lan toả lớn, đang hướng tới thương hiệu quốc gia, là việc xây dựng thương hiệu đã khó nhưng việc giữ uy tín thương hiệu lại càng khó hơn nếu như chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ không đảm bảo.

Trong dự thảo Thông tư Quy định Hệ thống tiêu chí của chương trình thương hiệu quốc gia do Bộ Công Thương soạn thảo mới đây có nhấn mạnh đến tiêu chí chất lượng, đặc biệt là đầu tư duy trì chất lượng sản phẩm.

Theo đó, tỷ lệ đầu tư cao hơn so với mức trung bình của ngành. Việc đầu tư đạt được mức độ chấp nhận được của chất lượng sản phẩm trên thị trường mục tiêu. Chất lượng sản phẩm là dẫn đầu trên thị trường về các thông số kỹ thuật và theo yêu cầu của khách hàng.

Một tiêu chí khác cũng được nhấn mạnh, đó là tính đổi mới sáng tạo. Chẳng hạn như DN đó cần có bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) thể hiện vai trò và chức năng đầy đủ, cụ thể và nêu được các kết quả do bộ phận R&D triển khai thực hiện. Bộ phận R&D đóng vai trò nòng cốt trong việc tạo năng lực cạnh tranh cho DN.

Ngoài ra, chi phí của DN đang hướng tới thương hiệu quốc gia (điều mà hầu hết các DN nội địa cũng mong muốn đạt được) cho hoạt động R&D phải lớn hơn mức trung bình của ngành, đồng thời nêu được đầy đủ các hoạt động R&D được áp dụng tại DN trong 2 năm liên tiếp trước năm xét chọn

Bản dự thảo cũng đòi hỏi cao ở DN là cần chủ động tìm kiếm và áp dụng công nghệ mới hơn đối thủ cạnh tranh. Nguồn gốc và loại công nghệ ưu đãi nổi trội và công nghệ sạch an toàn với môi trường. Kết quả áp dụng công nghệ mới giúp giảm chi phí và tăng năng suất vượt trội so với đối thủ cạnh tranh chính trong ngành…

Trở lại vấn đề “minh oan” của Asanzo, thiết nghĩ đây là bài học cho các DN nội địa trên con đường xây dựng thương hiệu trước khi nghĩ đến thương hiệu quốc gia vốn có yêu cầu khắt khe hơn. Mặt khác, những gì DN cho là “oan” thì khâu pháp lý cũng cần sớm chỉnh sửa có tính hệ thống để các DN khác không phải đi vào “vết xe đổ”.

Thế Vinh

Alternate Text Gọi ngay