Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Mỹ Lan Group: Tái khởi nghiệp ở tuổi 60

Tiếp tục tái khởi nghiệp ở tuổi 60 với nông nghiệp thông minh, ông là minh chứng sống động nhất về sức sáng tạo, sự khác biệt, và một tinh thần bất khuất trong mọi nghịch cảnh.

Khởi nghiệp ở tuổi 60 với những đột phá công nghệ doanh thu hàng tỷ USD

Từ cậu bé mồ côi cha phải đi kiếm sống bằng mọi nghề, khuân vác ngoài bến cảng, bán cà rem đến bánh mì… kiếm tiền giúp mẹ nuôi em. Bao năm tháng lênh đênh xứ người, kiếm sống bằng nghề rửa bát, đi dạy kèm… để học tập và vươn lên, trở thành tiến sĩ khoa học năng lượng và vật liệu.

Lọt vào đội ngũ lãnh đạo các tập đoàn danh tiếng thế giới như IBM, Kodak, Almaden research Center… với hơn 60 bằng phát minh sáng chế vật liệu hóa học quang điện tử, trong đó xuất sắc nhất là bản in offset CTP nhiệt đã đóng góp quan trọng vào lợi nhuận của nhà sản xuất và ngành in thế giới.

Tất cả nỗ lực của ông cũng chỉ để một ngày được trở về Trà Vinh, tạo lập công ty của riêng mình, xây trường học, bệnh viện,…

Tập đoàn Mỹ Lan hiện có nhiều đối tác ở Hoa Kỳ, Canada, Singapore, Nhật Bản, với bốn công ty thành viên gồm công ty hóa chất Mỹ Lan, công ty sản xuất vật tư ngành in Mỹ Lan, công ty quang điện tử và công ty American Dye Source ở Canada với hơn 500 nhân viên ở độ tuổi dưới 27.

Mỹ Lan hiện tăng trưởng ở mức ba con số, được các chuyên gia trên thế giới đánh giá cao về công nghệ và sử dụng rộng rãi.

Không dừng lại, ông lại quyết định khởi nghiệp lần thứ ba ở tuổi 60 với Rynan Agrifoods, công ty sản xuất phân bón thông minh giúp Việt Nam phát triển nông nghiệp thông minh trong điều kiện biến đổi khí hậu, giúp tăng doanh thu cho người nông dân, đồng thời giảm tối đa lượng khí thải ra do canh tác hóa học.

Nhìn những hạt phân bón màu sắc sặc sỡ như những viên kẹo socola, ít ai biết nó được cấu tạo hết sức khác biệt, được tráng phủ polymer công nghệ cao và thân thiện với môi trường, bên trong là những khoáng chất như N, P, K, Cu, Mn, Fe, Zn, Boron…

Những khoáng chất này sẽ cung cấp nguồn dinh dưỡng cho cây trồng trong toàn bộ quá trình từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch, với một cơ chế phóng thích đặc biệt thông minh, giàm lượng sử dụng 40% đến 60%, chỉ bón phân 1 lần cho mỗi mùa vụ, tăng năng suất thu hoạch hơn 10%, giảm hơn 60% khí nhà kính…

Chúng được sử dụng cho lúa, bắp, mía, cà phê, rau cải, rau củ quả, hoa kiểng. Phân bón chậm tan của Rynan Agrifoods đã tiến hành khảo nghiệm trên 10 hộ trồng lúa ở Đồng Tháp, mang lại nhiều lợi thế cho nông dân, giúp cây lúa phát triển xanh tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã ký kết hợp tác toàn diện với Rynan Agrifoods trong ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, giúp nông dân tăng lợi nhuận từ đầu ra sản phẩm.

Ở tuổi 60, T.S Nguyễn Thanh Mỹ vẫn trẻ trung và tràn đầy sức sáng tạo. Động lực lớn nhất thôi thúc ông khởi nghiệp chính là: “Mỗi ngày, điều tôi không thể chịu được là dù sống trên vựa đồ ăn, tôm cá đầy sông, lúa gạo đầy ắp, nhưng nông dân vẫn nghèo, mình vẫn ăn đồ ăn bẩn”.

Ông tâm sự: “Hình như đất nước mình vẫn thiếu một đường link nào đó để giúp cho người nông dân làm giàu, để xuất khẩu, hội nhập.

Nơi tôi ở cù lao Long Trì bên dòng sông Cổ Chiên ba tháng nay không có nước tưới cây. Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng rất lớn đến nông nghiệp, đến môi trường.

Chỉ còn một cách duy nhất là phải ứng dụng công nghệ hiện đại để giúp nông dân khá giả hơn, giữ được an ninh, an toàn cho thực phẩm.

Đây chính là cơ hội cho những doanh nghiệp công nghệ như tôi để dùng công nghệ nhằm gia tăng chuỗi giá trị nông nghiệp vào tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ,…”

Tham vọng của ông là làm sao tạo ra những hạt giống chịu hạn, chịu mặn, tạo ra phân bón giảm ô nhiễm, hiệu quả, tiện lợi hơn, dùng công nghệ điện toán đám mây để đo độ đạm, độ cali của đất để bón phân cho hiệu quả, làm ra được ứng dụng hệ thống tưới tự động như Israel, truy xuất nguồn gốc, áp dụng công nghệ điện toán đám mây vào phân phối, tiêu thụ, quảng cáo,…

Là người đứng ra thành lập chuyên ngành nước của đại học Trà Vinh, khi triển khai cho sinh viên đi lấy nước về phân tích, ông phát hiện ra hầu hết ô nhiễm đều do phân bón. Phân bón thường thảy xuống ruộng là tan liền. Phân đạm khi tan ra bị vi khuẩn biến thành muối amoni, nếu đất bị kiềm chút xíu thành khí amoniac bay đi, một số chuyển hóa thành khí nhà kính bốc hơi…

Hơn 60% đạm mất đi do bốc hơi, bị trôi rửa, lúa chỉ hấp thu 40%. Phân lân, phân cali cũng vậy, mưa là trôi xuống sông. Muốn giảm lượng khí nhà kính do nông nghiệp phải có phân bón thông minh hơn.

Ba năm qua nghiên cứu, tìm hiểu Israel, Mỹ về cách làm phân bón tan chậm có kiểm soát, đội ngũ nghiên cứu của Rynan đã tạo ra loại phân bón thông minh.

Công ty đã đầu tư 5 triệu USD để xây dựng nhà máy và dây chuyền sản xuất hiện đại cho phân bón thông minh với nguyên liệu, sản xuất thân thiện với môi trường.

Khó nhất chính là nghiên cứu ra chất bao ngoài bằng ba lớp chất dẻo bọc phân, khi bón xuống ruộng có thể kiểm soát được thời gian tan trong đất. Khó thứ hai là phải kết hợp được “bốn nhà” trong quá trình thử nghiệm và triển khai đại trà.

“Rất may tôi nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của Bí thư Đồng Tháp Lê Minh Hoan, về phía nhà khoa học, TS. Sánh và cán bộ Trung tâm phát triển đồng bằng sông Cửu Long đại học Cần Thơ luôn kề vai sát cánh để quy trình nghiên cứu được triển khai bài bản.

Về phía nhà nông, 5 gia đình đầu tiên của Đồng Tháp đã quen với việc sử dụng sản phẩm mới, họ đón nhận rất nhanh phân bón thông minh. Sự kết hợp này rất quan trọng để nhân rộng mô hình thành công”, ông cho biết.

Câu chuyện về nước ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng là điều ông đau đáu bấy lâu nay. Những tỉnh có biển như Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ năm nay bị nhiễm mặn kinh hoàng nhất. Trước đây sông Cổ Chiên độ nhiễm mặn là 5/1.000, giờ là 12/1.000, trong khi lúa độ mặn 1/1.000 đã bị lép rồi.

Cũng cần phải nhắc lại: Việt Nam là một trong 5 quốc gia ảnh hưởng nặng nhất bởi biến đổi khí hậu, nhất là đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng hồ nước thông minh do ông thiết kế kết nối với điện toán đám mây, kết nối với điện thoại di động, được sản xuất từ mảnh đất Trà Vinh, ngay tầng hầm nhà ông. Công nghệ cao có thể tạo ra ở bất cứ đâu nếu có quyết tâm, có trí tuệ.

“Tôi muốn dành những năm tháng cuối đời giúp xây dựng nông nghiệp thông minh và phù hợp hơn cho quê hương, điều đó giúp tôi hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Về lúa, ông bà thường nói ‘nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống’, tập trung bốn khâu đó để đưa công nghệ vào là cơ hội rất lớn cho phát triển kinh tế khí hậu”, ông tâm sự.

Sau chuỗi nhà máy công nghệ cao, ông Mỹ đang thực hiện dự án lớn làm hồi sinh cù lao Long Trị từ một vùng đất bị khai tử vì sạt lở. Hỏi ông có quá mạo hiểm khi theo đuổi dự án này, có liên quan gì đến tâm linh?

Ông trầm tư cho hay: “ Những buổi chiều muộn tôi thường ngồi ở đầu cù lao không suy nghĩ gì hết, cho cái đầu trống rỗng. Môi trường sông nước yên lặng, bình an. Tôi sẽ xây dựng khu đất mới thành nơi chốn của thiền, cho người ta tịnh tâm mỗi ngày.

Đôi khi tôi phải đặt lại câu hỏi tại sao mình làm vậy? Tôi không để lại cơ nghiệp cho con mình, các cháu có cơ nghiệp hết rồi, kêu các cháu cũng không về. Tôi có một đội ngũ người kế nghiệp.

Nhân viên tôi có nhiều em giỏi lắm, ở bên tôi nhiều hơn cha mẹ. Quan hệ hàng ngày với nhân viên còn lớn hơn quan hệ máu mủ, họ hiểu mình nhiều hơn con cái mình…”

Từ cái toa lét đến những phát minh khoa học

Cù lao Long Trị, Trà Vinh, nơi tôi đã nhìn thấy một hạnh phúc có thật. Đó là cảm xúc tôi khi được trải qua một đêm thật bình yên trong căn nhà của vợ chồng ông.

Làm thế nào từ một căn hầm nhỏ trên cù lao Long Trị nơi tận cùng trái đất ấy, ông và những chàng trai, cô gái Trà Vinh lại có thể phát minh ra loại phân bón thông minh tan chậm có kiểm soát, giúp cho nông dân giảm 50% lượng phân bón so với thông thường?

Làm thế nào từ một vùng đất hoang sơ đầm lầy nước đọng của một tỉnh nghèo nhất, cùng nhất của đất nước, ông lại gầy dựng nên một “cuộc cách mạng công nghiệp” trong không gian tràn ngập màu xanh, từ đó tạo ra sự hứng khởi để tiếp tục khởi xướng nhiều cuộc cách mạng khác trong ngành in, phát quang, điện tử hữu cơ,… với những phát minh khoa học được bán cho cả thế giới?

Chỉ có thể gói gọn trong một từ: Ông hiểu thế nào là hạnh phúc đích thực, và truyền sức mạnh ấy đến cho từng con người của Mỹ Lan Group.

Hạnh phúc đích thực là gì?

[BizSTORY] Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Mỹ Lan Group: Tái khởi nghiệp ở tuổi 60 - Ảnh 1.

Công ty Mỹ Lan Group

Ông đã lý giải nó một cách đầy đủ nhất, sáng tạo nhất, bằng những thành quả ý nghĩa nhất, đó là sự đổi đời của hơn 500 chàng trai cô gái Trà Vinh đang sống và làm việc nơi đây.

Mồ côi cha từ nhỏ, bán cà rem để kiếm sống, những năm tháng lăn lộn nơi xứ người để học hỏi và vươn lên, chàng bồi bàn ấy đã có một mơ ước: “ Một ngày nào đó tôi sẽ trở về quê hương Trà Vinh để lập nhà máy, giúp cho người dân quê tôi có cuộc sống tốt hơn…”.

Hơn 20 năm nuôi dưỡng một giấc mơ, trở thành nhà khoa học, doanh nhân giàu có ở Canada, ông vẫn chưa bao giờ thôi đau đáu với giấc mơ ấy.

Trở về Trà Vinh lập nhà máy, vấp phải biết bao trở ngại. Rồi khi thành công, vẫn phải đối mặt với những kiểu hành doanh nghiệp như “thiên la địa võng”…ông vẫn điềm tĩnh bước tới, tiếp tục đầu tư, tiếp tục sáng tạo.

Bởi hơn ai hết, ông hiểu sứ mệnh của mình là mang lại hạnh phúc cho người khác, nhất là những người trẻ quê hương ông, cho họ ngọn đuốc để tự thắp sáng mình, tự bước đi bằng đôi chân của chính mình.

Ông thường tuyển những người còn…trong veo! Nghĩa là chưa biết gì! Học vấn, bằng cấp với ông không quan trọng, miễn là trong con người ấy, ông nhìn thấy sự năng động, dám sống, dám chịu thử thách, dám nghĩ khác, làm khác.

Điều đầu tiên ông dạy các em là…đi toa lét! Nhiều khách nước ngoài đến nhà ăn tập thể, cũng là nơi tiếp khách của ông, đã không khỏi ngạc nhiên bởi toa lét sạch như khách sạn 5 sao.

Một chồng khăn trắng muốt được xếp ngay ngắn như những cánh hoa, mùi thơm thoảng thoảng tỏa ra, khu vực vệ sinh lúc nào cũng khô thoáng, sạch sẽ. Tất cả đều nhờ ý thức của từng thành viên trong ngôi nhà chung này.

Các em được dạy từ cách ngồi toa lét, lau sạch bàn rửa mặt mỗi khi bước ra. Không chỉ nơi tiếp khách, bất cứ chỗ nào trong nhà máy cũng sạch sẽ và thơm tho như thế.

[BizSTORY] Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Mỹ Lan Group: Tái khởi nghiệp ở tuổi 60 - Ảnh 2.

Bài học đầu tiên vào công ty ông dạy nhân viên là bài học làm người, bài học để thay đổi tư duy. Ông dạy nhân viên từ cách ăn, cách nói, đến cách giao tiếp, cách phục vụ người khác trong từng bữa ăn, cách bài trí mỗi bàn làm việc.

Bàn làm việc nào cũng có cây xanh và những bức hình gia đình, như một nơi neo đậu tình cảm thiêng liêng, ấm áp cho từng mái ấm.

Ở đây nhân viên được phục vụ miễn phí ba bữa ăn trong ngày. Mỗi bàn ăn có bốn người, nhưng các nhóm phải luân phiên ngồi ăn với nhau, để giao tiếp và hiểu nhau hơn.

Sau giờ làm, các em còn được chơi bóng chuyền, bóng đá, đánh cầu lông. Phong trào thể dục thể thao ở Mỹ Lan rất mạnh. Các em được ăn sạch, uống sạch, sống khỏe.

Ông thường nói: “ Phải có những con người khỏe mạnh, tích cực, mới có thể nghĩ ra nhiều điều hay, làm giàu cho công ty và cho chính mình chứ”.

Ở Mỹ Lan có đội xây dựng riêng cho công ty, những lúc không có việc, họ đi xây nhà cho từng nhân viên. Cẩm Tú, trợ lý của ông Nguyễn Thanh Mỹ cười hạnh phúc nói với tôi: “ Em cũng mới cất nhà, toa lét sạch và hiện đại lắm chị ạ, chẳng thua gì nhà chú Mỹ đâu”.

Toàn bộ hệ thống xử lý nước thải của Mỹ Lan đều được áp dụng những phương pháp tiên tiến nhất bằng…cây cỏ và đá mà ông đặt tên là “Bộ máy sống”, nghĩa là những loại cây có khả năng lọc các chất bẩn như cỏ năn, có nến, cây thủy trúc, sen…

Chỉ riêng đội ngũ làm vườn và chăm sóc cảnh quan đã lên tới 20 người. Nước thải ra là nước có thể tái sử dụng cho sinh hoạt và tưới tắm cho cây, nuôi cá. Vậy mà ông đã từng bị vu oan là thải nước bẩn ra ngoài khi tưới cho hàng cây vừa trồng!

Ông nói: “ Mình phải lo cho nhân viên của mình trước chứ đâu cần ai lo dùm! Nhiều người hỏi tôi cần gì ở nhà nước? Tôi nói không cần gì cả, chỉ cần để yên cho doanh nghiệp làm”.

Ấn tượng nhất với tôi là Trần Thanh Trang, cô gái vừa tròn 30 tuổi, trợ lý kỹ thuật cho ông Mỹ, mà các bạn vẫn gọi đùa là “đại ca”.

Ông Mỹ và vợ ông cưng Trang và nhân viên của mình như những người con, các em cũng đối đãi lại với hai ông bà như người thân, vừa yêu kính, vừa gần gũi.

Nhìn Trang đầy tự tin khi giới thiệu với chúng tôi công trình khoa học ứng dụng màng bao bì bằng vật liệu mới đa lớp, giúp bảo quản thực phẩm lâu hơn, giữ được độ ngon, độ tươi, mà không cần đông lạnh…

Mới thấm thía về thành quả con người của ông Mỹ. Người ta chỉ có thể tự tin như thế khi biết mình đang làm những việc có ích cho xã hội, biết được sức mạnh nội tại của chính mình, biết được thế giới mà mình đang sống, biết được những người thân yêu nhất đang cần gì, và chân thật với từng khoảnh khắc.

“Chọn một tỉnh cùng, tỉnh nghèo nhất, để hiểu người nông dân đang cần gì, giải quyết những bài toán của nông dân, cũng chính là giải quyết cái nghèo, cái khổ bao nhiêu năm đeo đuổi thân phận nhà nông. Theo tôi, không có việc gì khó, chỉ sợ mình không chịu làm thôi…”, ông Mỹ chia sẻ như thế về những việc mình làm.

Hỏi Trang nghĩ gì về Mỹ Lan và về chú Mỹ? Đôi mắt Trang ánh lên niềm hạnh phúc: “ Em rất thích đi làm mỗi ngày, vì ở đây lúc nào cũng có những cái mới, những điều chưa biết để học hỏi. Mỗi ngày thức dậy điều đầu tiên em nghĩ đến là công ty. Làm việc với chú, được truyền nguồn năng lượng đầy tích cực, hào hứng, đam mê, cả sự quyết tâm, kiên nhẫn để đạt được kết quả”.

Cô tâm sự thêm: Chính nhờ người thầy là chú em đã có được niềm tin là mình có thể làm rất nhiều thứ mà trước đây chỉ nghĩ người nước ngoài mới có thể làm được. Chú không coi trọng bằng cấp, mà coi trọng sự nhiệt tình, muốn vươn lên, muốn làm nhiều hơn với tinh thần trách nhiệm. Ở đây có rất nhiều cơ hội, mọi người đều được trao cơ hội như nhau, không phân biệt bằng cấp tuổi tác gì hết…

Trở về ngôi nhà mang hình một vầng trăng lưỡi liềm ẩn sâu trong cỏ cây hoa lá của vợ chồng ông, tiếp xúc với chị Nhàn, người vợ luôn sát cánh bên ông trong từng khó nhọc của cuộc đời, mới hiểu sức mạnh nào đã giúp ông vượt qua mọi giông bão.

Quán xuyến, đảm đang, vị tha như một người mẹ, chị lo lắng cho nhân viên từng miếng ăn, giấc ngủ, khuyên nhủ từng người cách để làm sao giữ chồng, nuôi con…

Biết bao đôi lứa đã được anh chị dựng vợ gả chồng, họ đã cùng nhau và cùng anh chị để dựng nên một ốc đảo của hạnh phúc. Nơi mà chỉ có một tình thương yêu bao la và cái tâm trong sáng mới có thể hóa giải mọi nỗi đau và gây dựng lại tương lai…


Theo Trung Mến

Theo

Alternate Text Gọi ngay