“Tôi là Sam”: Khi giới hạn về trí tuệ không thể ngăn cản yêu thương

“Tôi là Sam” là bộ phim tình cảm gia đình đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả. Bộ phim kể về người cha bị mắc chứng tự kỉ và thiểu năng, nhưng tình yêu mà ông dành cho con gái là một điều phi thường khiến bao người nể phục.

Nam tài tử Sean Penn trong vai Sam – người đàn ông mắc hội chứng tự kỷ

Một đôi bàn tay lập cập xếp đi xếp lại những gói gia vị, những lọ đường, những chiếc ống hút trong hộp hay trong từng khay nhỏ. Tiếng nhạc đầy hứng khởi, tươi vui theo nhịp đôi tay mở ra không gian của một quán café đông đúc khi một ngày làm việc bắt đầu. Từng hành động cẩn trọng và tỉ mỉ một cách đầy kiên nhẫn của đôi bàn tay khiến người xem không rời mắt được khỏi khuôn hình. Đến khi nước đổ trên mặt bàn được lau sạch, những gói gia vị đồ uống được đặt đúng chỗ trên từng bàn, người đàn ông với chiếc tạp dề, ánh mắt ngơ ngác tên Sam (Sean Penn) mà chúng ta chờ đợi mới chính thức xuất hiện.

Tuy nhiên, việc làm bồi bàn trong một cửa hàng của Starbucks với điệp khúc It’s a wonderful choice chỉ là công việc thường ngày của Sam. Hôm nay, cuộc đời anh chào đón một sự kiện long trọng. Anh đặt tên cho điều kỳ diệu thiêng liêng ấy là Lucy Diamond Dawson. Từ đó, cuộc đời anh gắn với viên kim cương bé nhỏ vô giá ấy.

Tôi là Sam (I am Sam) của đạo diễn Jessie Nelson bắt đầu giản dị như chính tên gọi của nó theo cách ấy. Bộ phim kể về ông bố đơn thân Sam Dawson bị mắc chứng tự kỷ và thiểu năng trên hành trình đấu tranh để giành quyền nuôi Lucy – đứa con gái 8 tuổi mà một phụ nữ để lại. Khai thác đề tài về những người khuyết tật, tổn thương và quá trình hòa nhập của họ với cộng đồng, Tôi là Sam đặt ra những vấn đề đầy nhân văn và cảm động về tình yêu thương, lấp lánh như ánh sáng của những viên kim cương trên bầu trời.

Sam là một người đàn ông trung niên nhưng mãi mãi mang trí tuệ của một đứa trẻ 7 tuổi. Mọi việc sẽ không có gì xảy ra nếu Lucy – con gái anh – cũng muốn bản thân mãi mãi dừng lại ở ngưỡng 7 tuổi đó. Nhưng cô bé may mắn là một đứa trẻ bình thường, thậm chí lớn khôn và tràn đầy sức sống như một cái cây xanh tốt. Đó là khi những rắc rối nảy sinh, nhà trường và xã hội cảm thấy cần can thiệp để đảm bảo cho một tương lai tốt hơn của cô bé. 

Ngay vào ngày sinh nhật con gái tròn 7 tuổi, Sam bị tước đi quyền nuôi Lucy 

Đó là một vấn đề lớn của cả xã hội và cũng là chủ đề gây nhiều tranh cãi khi bộ phim ra đời. Lucy là một đứa trẻ 7 tuổi nhưng cô bé vẫn nhận ra cha mình không bình thường như những người cha khác, và vì không muốn làm cha buồn, bé quyết định không chịu đọc những từ cha cô không biết đọc. Cô bé hiểu, chấp nhận và yêu cả những khiếm khuyết ấy của người cha, để trở thành một chỗ dựa tinh thần vững vàng cho người cha luôn ngơ ngác trước cuộc đời của mình.

Tuy nhiên, trái với khuynh hướng đồng cảm đó, một số người khác trong xã hội không tin vào khả năng làm cha của một người thiểu năng như Sam. Họ cho rằng Lucy cần phải lớn lên, vì thế phải được thoát khỏi vòng che chở của một người cha mãi mãi 7 tuổi. Những người đứng về phía Sam, gồm có cả luật sư biện hộ cho anh – Rita Harrison (Michelle Pfeiffer), cho rằng trí tuệ không quyết định tình yêu thương trong khi những người còn lại cương quyết phản bác điều đó.

Không có cái thiện hay cái ác tuyệt đối chiến thắng cho đến phút cuối. Bộ phim cuối cùng chỉ chỉ ra cho chúng ta điều mà một đứa trẻ thực sự cần mà không sự thay thế nào có thể bù đắp được. Không phải luật pháp mà chính Lucy, cô bé can đảm hàng đêm trèo cửa sổ, băng đường để tìm đến nơi mà bé có thể yên lòng chìm vào giấc ngủ mới là người có quyền đưa ra quyết định ở đây.

Và như một cái cây non có thể sinh ra trên một mảnh đất cằn cỗi, thiếu nước và chất dinh dưỡng nhưng cần phải có ánh sáng mặt trời để vươn lên, Lucy đã tìm ra điều thực sự có ý nghĩa với mình như ánh sáng mặt trời ấy. Hai cha con sẽ cùng lớn lên bên nhau, như một minh chứng hùng hồn nhất cho sức mạnh cảm hoá của lòng kiên nhẫn và tình yêu thương.

Những gì Lucy cần chỉ là tình yêu thương từ người bố không hoàn hảo của mình

Thành công của bộ phim, bên cạnh kịch bản ý nghĩa còn phải kể đến diễn xuất ấn tượng của cặp đôi diễn viên chính Sean Penn và cô nhóc Dakota Fanning. Có thể nói, Sean Penn đã hóa thân xuất sắc và là linh hồn của cả bộ phim. Không gây ấn tượng bằng tạo hình như các nhân vật của Bay trên tổ chim cúc cu (One Flew Over the Cuckoo’s Nest), nhưng anh đã hoàn toàn chinh phục khán giả bằng một diễn xuất tự nhiên, bền bỉ đến bất ngờ. 

Cùng với hình ảnh đôi bàn tay vụng về, những móng tay cắt cụt đặc trưng của những người tự kỷ, hình ảnh anh phăm phăm lao người về phía trước, ánh mắt hoang mang, ngơ ngác hay miệng nói lắp bắp, giọng nói vừa hoang dại vừa run rẩy đều là những ấn tượng khó quên trong lòng người xem. Đây cũng là vai diễn đã đưa Sean vào danh sách đề cử Oscar năm 2002.

Dakota Fanning cũng đã thể hiện hoàn hảo vai diễn Lucy Diamond Dawson. Lucy thật sự là một viên kim cương lấp lánh trên bầu trời đêm như chính ý nghĩa cái tên của cô bé. Cô bé quá đỗi xinh đẹp và tinh anh. Với đôi mắt xanh tuyệt đẹp nhưng già dặn, cô bé có cái nhìn thấu đáo vượt khỏi độ tuổi của mình. Nhìn vào mắt Lucy, người ta có thể hiểu hết mà không cần đợi cô bé nói gì nhiều. 

Khi chơi đùa cùng bố trong công viên, mắt Lucy lấp lánh. Khi nhận thức được trí tuệ của bố sẽ mãi mãi bằng với số tuổi hiện tại của mình, màu xanh trong mắt Lucy trở nên thẫm hơn, cái nhìn dài hơn. Còn cả ánh mắt thẫn thờ khi Lucy nhìn Sam bị đám bạn cười nhạo, ánh mắt cô bé nhìn bố tại bữa tiệc sinh nhật chưa kịp diễn ra, ánh mắt cô bé đối diện với những người chất vấn mình, ánh mắt dõi theo lưng bố, ánh mắt bao dung với Sam ngây ngốc… đều trở thành những hình ảnh ám ảnh đẹp đẽ và sống động. 

Bộ phim đơn giản, dễ hiểu nhưng vẫn khiến người xem không kìm được nước mắt vì ý nghĩa nhân văn cao cả 

Với tình yêu dành cho người bố không hoàn hảo của mình, cô bé nói rằng “Con không muốn đọc từ nào bố không biết đọc” để biểu thị mình tự hào về Sam. Cô bé kiên quyết chờ Sam dù thời gian thăm gặp chẳng còn nhiều, cô bé nói dối để được ở bên bố, đề nghị đi thật xa để chẳng còn bị chia cách với Sam. 

Cô bé chui cửa sổ và đi bộ một quãng đường khuya để gõ cửa phòng Sam và được ngủ cùng, dặn dò ông câu trả lời những điều quan tòa có thể hỏi… Cô bé biết tất cả, hiểu mọi thứ ấy, chỉ cần duy nhất một mình Sam – người bố không gì có thể thay thế được. 

Tôi là Sam là một câu chuyện giản dị nhưng chứa đựng bên trong nó vô vàn những bài học về tình yêu thương, giá trị gia đình, sự thiêng liêng của tình cha con, tình người trong xã hội, lát cắt cuộc đời của những người khiếm khuyết về trí tuệ… Không dồn nén cũng không cao siêu, bộ phim nhẹ nhàng lấy đi nước mắt của người xem bằng cách tinh tế khơi dậy những cảm xúc nguyên thủy nhất của con người. 

Bộ phim “Tôi là Sam” (I am Sam) phát sóng vào lúc 15g10 thứ Tư (11/11) trên kênh HBO thuộc hệ thống HTVC. Mời bạn đọc đón xem và theo dõi.

Song Anh

Alternate Text Gọi ngay