Từ vụ Asanzo: “Lời hứa” của thương hiệu và sự minh bạch với người dùng
–
Thứ tư, 17/07/2019 17:55 (GMT+7)
Từng có sự tăng trưởng vượt bậc với doanh thu đáng kinh ngạc hàng nghìn tỉ một năm, công ty CP Tập đoàn Asanzo đang chao đảo trước “cơn bão” truyền thông vì những lùm xùm liên quan đến xuất xứ hàng hoá.
Asanzo đang lao đao vì khủng hoảng truyền thông. Ảnh: Asanzo
Gần một tháng trôi qua sau những cáo buộc liên quan đến việc các sản phẩm của công ty CP Tập đoàn Asanzo nhập nhiều container hàng điện tử Trung Quốc rồi phù phép thành xuất xứ Việt Nam, cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận.
Theo ông Phạm Vũ Tùng – cựu Giám đốc Marketing của Piaggio Việt Nam, sự việc đang trong quá trình điều tra và thiệt hại của doanh nghiệp là có thể nhìn thấy rõ. Thời điểm hiện tại, người tiêu dùng không thể tránh khỏi tâm lý hoang mang, đồng thời có xu hướng tạm thời hạn chế sử dụng sản phẩm của thương hiệu này. Sự việc càng kéo dài, thương hiệu sẽ càng ảnh hưởng. Từ đó kéo theo doanh thu, lợi nhuận cũng sẽ giảm.
Sau những nghi vấn liên quan đến xuất xứ hàng hoá, các đối tác của Asanzo cũng đã có những động thái “quay lưng” với doanh nghiệp này. Nhiều hệ thống siêu thị đã tiến hành chương trình thu đổi sản phẩm tivi Asanzo cho những người tiêu dùng có lo ngại về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Mặc cho đại diện phía Asanzo lên tiếng phản đối động thái này của các đối tác thì các nhà bán lẻ vẫn tiếp tục tiến hành thu đổi sản phẩm của doanh nghiệp này.
Theo chuyên gia Phạm Vũ Tùng, khủng hoảng truyền thông dù ít hay nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Song khi gặp khủng hoảng, điều doanh nghiệp cần thực hiện ngay là làm việc ngay với cơ quan chức năng để sáng tỏ sự việc và có giải trình với người tiêu dùng.
“Tổ chức họp báo để cung cấp thông tin cho báo chí và công chúng, để thể hiện sự minh bạch và cầu thị với khách hàng là điều cần thiết”, chuyên gia này nói.
Song cũng theo ông Phạm Vũ Tùng, phòng chống khủng hoảng truyền thông mới là điều mà doanh nghiệp cần chú trọng. Doanh nghiệp có thể chọn mô hình khác nhau trong kinh doanh nhưng một trong những mô hình đang được các nước châu Âu sử dụng nhiều là mô hình phát triển bền vững. Hiện nay, Việt Nam cũng đang triển khai mô hình này với 151 tiêu chí, trong đó đề cao sự minh bạch, đạo đức, chú trọng đến chất lượng sản phẩm, hoạt động xã hội của doanh nghiệp và vấn đề bảo vệ môi trường…
“Nếu đáp ứng được tiêu chí đó thì doanh nghiệp có thể phòng ngừa được khủng hoảng, chứ không phải để khủng hoảng xảy ra rồi mới khắc phục”, ông Tùng nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia này, đối với thương hiệu, truyền thông được xem là công cụ gắn kết thương hiệu với người tiêu dùng, với xã hội, thậm chí là với nhà quản lý. Tuỳ theo chiến lược của từng doanh nghiệp, hoạt động truyền thông có thể được thực hiện mạnh mẽ, hoặc trung bình, thậm chí có một số doanh nghiệp hạn chế truyền thông. Nếu doanh nghiệp xác định, truyền thông là một trong những chủ lực thì cần có sự chuẩn bị kỹ càng và tâm thế trong sáng, minh bạch.
“Quan trọng hơn hết là truyền thông cần phải minh bạch, đúng sự thật, đúng bản chất của thương hiệu đó. “Lời hứa” của thương hiệu sẽ được truyền thông truyền đi. Nếu lời hứa đó không đúng thì nó lại mang tác dụng ngược”, chuyên gia này phân tích.