Vẫn có những tiếc nuối, nhưng Hà Anh Tuấn đã có một Chân Trời thực sự Rực Rỡ tại quê nhà

Có quá nhiều thứ để nói về Hà Anh Tuấn và đêm nhạc Chân Trời Rực Rỡ.

Trước khi đêm nhạc diễn ra, lần đầu tiên trong sự nghiệp tổ chức show của Hà Anh Tuấn, đã có những nghi ngại mang tên “ế vé”, “trống chỗ” lần đầu tiên gắn với cái tên của nam ca sĩ. Không ít người đã cho rằng sức hút của Hà Anh Tuấn và các đêm liveshow cuối cùng cũng đã đạt đỉnh và hạ nhiệt.

Trước khi đêm nhạc diễn ra, địa danh Ninh Bình là một thắc mắc rất lớn. Nhiều người không thể hiểu nổi vì sao Hà Anh Tuấn cất công mời một “huyền thoại” như Kitaro đến Việt Nam mà lại chọn một địa điểm tổ chức có nhiều rủi ro, nhiều bất lợi khi di chuyển và lưu trú đến vậy.

Hà Anh Tuấn lần lượt có câu trả lời với 2 đêm Chân Trời Rực Rỡ, câu trả lời thậm chí vượt xa những dự định ban đầu.

Vẫn có những tiếc nuối, nhưng Hà Anh Tuấn đã có một Chân Trời thực sự Rực Rỡ tại quê nhà - Ảnh 1.

Đừng gọi Hà Anh Tuấn chỉ-biết-cover nữa, đã qua thời đó rồi!

Có một dạo Hà Anh Tuấn nhận về lượng lớn các ý kiến trái chiều, cho rằng anh chỉ biết cover nhạc của người khác, sự sáng tạo của người nghệ sĩ trong anh rất thấp. Đã qua rồi thời chỉ trích Hà Anh Tuấn “chỉ biết hát cover” vì từ Những Vết Thương Lành (2022) vắt qua Chân Trời Rực Rỡ (2023), Hà Anh Tuấn luôn phát hành những dự án âm nhạc riêng để quảng bá song hành với các đêm nhạc. Tại đêm nhạc, anh vẫn cover một số ca khúc nhưng với số lượng được tiết chế hết mức, và tất cả đều có một bản phối mới được thực hiện ấn tượng. Hà Anh Tuấn rõ ràng vẫn ca khúc “chính chủ” nổi danh được công chúng thuộc nằm lòng: Tháng Tư Là Lời Nói Dối Của Em, Xuân Thì, Tháng Mấy Em Nhớ Anh, Một Mình Một Sớm Ban Mai… 

Anh cũng giới thiệu 3 ca khúc hoàn toàn mới nằm trong dự án Chân Trời Rực Rỡ do NS Võ Thiện Thanh sáng tác riêng: Người Việt Nam, Người Đi Xuyên Thời Gian, Chân Trời và cả Đến Tận Cùng của Phạm Hải Âu. Hà Anh Tuấn chứng minh bản thân hoàn toàn có thể đi theo những thể nghiệm âm nhạc “kén” khán giả, khai thác những nội dung mang tính triết lý cao như sự tái sinh luân hồi của kiếp người, nỗi niềm cho những con người đã không còn trên thế gian,…. chứ không đơn thuần là “Hoàng tử hát pop-ballad”. 

Vẫn có những tiếc nuối, nhưng Hà Anh Tuấn đã có một Chân Trời thực sự Rực Rỡ tại quê nhà - Ảnh 2.

Vẫn có những tiếc nuối, nhưng Hà Anh Tuấn đã có một Chân Trời thực sự Rực Rỡ tại quê nhà - Ảnh 3.

Vẫn có những tiếc nuối, nhưng Hà Anh Tuấn đã có một Chân Trời thực sự Rực Rỡ tại quê nhà - Ảnh 4.

Đã qua rồi thời gọi Hà Anh Tuấn chỉ-biết-cover!

Hà Anh Tuấn qua đó cũng dũng cảm để đưa các sáng tác hẵng còn lạ lẫm với công chúng vào thẳng phần mở đầu, như một cách “định hướng” khán giả của anh với các sáng tác “chính chủ”. Việc phát triển các ca khúc mới trên nền một sản phẩm âm nhạc ra mắt trước đó cũng đang là một trào lưu thịnh hành trên toàn cầu, Hà Anh Tuấn đã nắm bắt điều đó để xin phép Kitaro “làm mới” 2 bản hòa tấu rất nổi tiếng của ông: Koi và Silk Road. Cả hai sau đó lần lượt trở thành Ánh Trăng Tan và Đường Tơ Lụa Đường Cố Hương vẫn là những sản phẩm độc lập, có đời sống âm nhạc riêng.

Kitaro chắc chắn là điều quan trọng không thể bỏ qua để nhắc về Chân Trời Rực Rỡ. Trước khi ông đến Việt Nam trình diễn, hẳn công chúng đều đã từng nghe các giai điệu của Kitaro đến nằm lòng ở các chương trình phát sóng nhiều năm trước nhưng chưa chắc công chúng biết được ai là người đứng sau chúng. “Tổ hợp” Kitaro – Matsuri – đất trời Cố đô Hoa Lư là một “tổ hợp” dễ dàng hạ gục kể cả những người nghe nhạc khó tính bởi cảm xúc quá cuộn tràn mà cả ba yếu tố mang lại. Đích thân Kitaro đã gõ một loại trống truyền thống Nhật Bản để bắt nhịp vào Matsuri. Giữa không gian mênh mông nơi miền đất từng trở thành Kinh đô nước Đại Cồ Việt cách đây hơn 1 nghìn năm, nhịp trống hào hùng, âm nhạc bi tráng, một người nghệ sĩ 70 tuổi tóc dài bạc phơ trong gió,… quá nhiều những thứ đẹp đẽ “kết tinh” chỉ trong một khoảnh khắc duy nhất. Và đôi khi trong cuộc đời của mỗi chúng ta cũng chỉ cần những khoảnh khắc đẹp đẽ như thế.

Vẫn có những tiếc nuối, nhưng Hà Anh Tuấn đã có một Chân Trời thực sự Rực Rỡ tại quê nhà - Ảnh 5.

Kitaro thăng hoa tại lần diễn live đầu tiên của ông tại Việt Nam.

Không phải Ninh Bình thì không thể nào là một nơi khác

Theo một số liệu từ nguồn tin nội bộ, mỗi đêm nhạc Chân Trời Rực Rỡ thu hút 10 nghìn khán giả, tổng cộng là 20 nghìn khán giả cho 2 đêm. Giá vé dao động từ 1 triệu cho đến 5 triệu, chia trung bình khoảng 3 triệu cho một vé tham dự nhân với tổng khán giả có thể đưa cho khán giả một mường tượng ban đầu về doanh thu 2 đêm Chân Trời Rực Rỡ. Số tiền đầu tư sản xuất Chân Trời Rực Rỡ quả thực khổng lồ nhưng doanh thu của 2 đêm rõ ràng cũng khổng lồ không kém. Đừng hỏi vì sao Hà Anh Tuấn liên tiếp tổ chức các liveshow với concept, độ đầu tư ngày càng lớn như vậy nếu anh lẫn ekip không thấy được doanh thu từ việc làm show. 

Còn nhớ cách đây vài tháng ở buổi họp báo giới thiệu dự án, phía ekip của Hà Anh Tuấn đã tự tin khẳng định dẫu có mở thêm đêm thứ 3, thứ 4 hay thứ 5 thì lượng vé vẫn sẽ được bán hết. Đó không phải là một tuyên bố “cho vui miệng” hay nhằm “gây sốc” để thu hút truyền thông mà rõ ràng, Hà Anh Tuấn tái khẳng định việc anh hoàn toàn có thể “sống khỏe” bằng việc làm show. 

Vẫn có những tiếc nuối, nhưng Hà Anh Tuấn đã có một Chân Trời thực sự Rực Rỡ tại quê nhà - Ảnh 6.

Sân khấu lấy ý tưởng từ dãy núi Mã Yên.

Vẫn có những tiếc nuối, nhưng Hà Anh Tuấn đã có một Chân Trời thực sự Rực Rỡ tại quê nhà - Ảnh 7.

Sân khấu hoành tráng, đầy ấn tượng của đêm nhạc Chân Trời Rực Rỡ.

Sân khấu Chân Trời Rực Rỡ nằm trọn vẹn trong cụm di tích của Cố đô Hoa Lư, kề bên Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và Vua Lê Đại Hành, phía sau là dãy núi Mã Yên bao bọc, lại có dòng Sào Khê uốn lượn chảy quanh, xa xa là Động Am Tiên cùng hệ thống dày đặc các di tích,… thực sự nằm ở vị trí quá đắc địa khi xét về mặt văn hóa – lịch sử.

Lấy cảm hứng từ dãy núi Mã Yên, sân khấu Chân Trời Rực Rỡ có những “dãy núi” nhân tạo khổng lồ được dựng lên làm hậu cảnh, vừa đóng vai trò như màn hình để trình chiếu 3D mapping. Một mái đình cổ được giữ nguyên vị trí, trở thành một phần của sân khấu lớn và là nét chấm phá tuyệt đẹp để giữ nét Á Đông. Ekip Hà Anh Tuấn cũng đã mang hệ thống máy chiếu phục vụ các kỳ Thế Vận hội tại Bắc Kinh và Tokyo dành cho 2 đêm diễn ra chương trình. Quả cầu khổng lồ cũng tạo nên điểm nhấn đầy thu hút khi vừa là nơi lắp đặt hệ thống ánh sáng, vừa là nơi trình chiếu các visual art và đến lúc cần thiết sẽ xoay ra để làm nơi ông Kitaro trình diễn.

Ngay từ đầu, Hà Anh Tuấn đã biết cách đẩy cảm xúc khán giả lên cao trào khi có bản mashup đầy ấn tượng Bonjour Việt Nam kết hợp trên nền bản Xẩm Ngãi Mẹ Sinh Thành. Âm nhạc dân gian kết hợp với nghệ thuật hiện đại, tại một địa điểm mang tính lịch sử chứng minh sự khéo léo của ekip Hà Anh Tuấn để tạo nên tiết mục mở màn đánh mạnh vào cảm xúc của khán giả. Ý niệm về dân tộc, cội nguồn, về lịch sử văn hóa được Hà Anh Tuấn tập trung để phát triển trong Chân Trời Rực Rỡ với loạt các ca khúc về đề tài này trải dài cho đến tận tiết mục cuối cùng: Tình Ca (Phạm Duy), Người Việt Nam (Võ Thiện Thanh), Dòng Máu Lạc Hồng (Lê Quang),… Ekip âm nhạc đã thực sự khéo léo trong việc phối nhạc, mang đến tinh thần thống nhất để không biến đêm nhạc trở nên khô khan, “giáo điều”. Tinh thần yêu nước – thương nòi qua ngôn ngữ âm nhạc của Hà Anh Tuấn trở nên mềm mại, gần gũi và dễ dàng đi sâu vào lòng khán giả.

Và đây có lẽ cũng là câu trả lời xác đáng nhất cho câu hỏi: “Vì sao lại là Ninh Bình” bởi lẽ concept và âm nhạc của Chân Trời Rực Rỡ “sinh ra” cho nơi đây. Sự kết hợp chặt chẽ giữa tính lịch sử của địa điểm tổ chức, không gian cùng cách dàn dựng âm nhạc càng thể hiện tài năng “bậc thầy” của Hà Anh Tuấn lẫn ekip của anh trong việc tạo dựng nên các concept. 

Vẫn có những tiếc nuối, nhưng Hà Anh Tuấn đã có một Chân Trời thực sự Rực Rỡ tại quê nhà - Ảnh 8.

Các nghệ sĩ hát xẩm rất trẻ tuổi, là truyền nhân của cố nghệ nhân dân gian Hà Thị Cầu.

Vẫn có những tiếc nuối, nhưng Hà Anh Tuấn đã có một Chân Trời thực sự Rực Rỡ tại quê nhà - Ảnh 9.

Yếu tố văn hóa dân tộc được Hà Anh Tuấn đưa vào cực kì khéo léo và “chạm” đến trái tim khán giả.

Vẫn có những điểm trừ và tiếc nuối, nhưng Hà Anh Tuấn thực sự đã có một Chân Trời hết mực Rực Rỡ tại quê nhà

Nói đi cũng phải nói lại, Chân Trời Rực Rỡ vẫn tồn tại không ít các thiếu sót. Đầu tiên và cũng là lớn nhất nằm ở chính giọng hát live của Hà Anh Tuấn trong đêm nhạc lần này đã bộc lộ rõ sự đi xuống về kỹ thuật lẫn tư duy xử lý bài hát. Khách quan mà nói, thời tiết lạnh, không gian tổ chức quá rộng lớn cũng như việc hát live liên tục hơn 3 tiếng đồng hồ cùng dàn nhạc giao hưởng hoành tráng đã ảnh hưởng không ít đến chất lượng giọng hát live của giọng ca Xuân Thì.

Hà Anh Tuấn trong Chân Trời Rực Rỡ không ít lần chạm đến các nốt cao đầy căng thẳng, cố rướn giọng hát đầy mệt mỏi và đôi khi “bất lực” đến mức phải ra hiệu cho dàn bè tiếp sức hoặc hướng micro về phía khán giả. Những điểm yếu trong giọng hát live lần này của Hà Anh Tuấn bộc lộ rõ nét nhất khi anh trình diễn các ca khúc được sáng tác mới của Võ Thiện Thanh và Phạm Hải Âu, các ca khúc vốn đã có giai điệu trúc trắc, phần lời phức tạp càng tạo nên thử thách cho nam ca sĩ khi trình diễn. 

Vẫn có những tiếc nuối, nhưng Hà Anh Tuấn đã có một Chân Trời thực sự Rực Rỡ tại quê nhà - Ảnh 10.

Giọng hát live xuống phong độ của Hà Anh Tuấn cũng là điểm đáng quan ngại.

Ở đêm đầu tiên, Hà Anh Tuấn đã hát Xuân Thì với đoạn mở đầu bằng tiếng Nhật, Tháng Tư Là Lời Nói Dối Của Anh với đoạn tiếng Anh ở lời 1 nhưng đã tạo nên hiệu ứng không tốt, khiến không ít khán giả hụt hẫng. Rút kinh nghiệm sang đêm thứ 2, Hà Anh Tuấn và ekip đã cấp tốc chỉnh sửa để anh chỉ hát hoàn toàn bằng tiếng Việt. Nhưng chính điểm yếu này lại càng giúp tôn lên ban nhạc đã “gánh” cho Hà Anh Tuấn không ít lần. “Ban nhạc chơi quá hay!”, “Bản phối quá xuất sắc!”,… là những điều mà khán giả bên dưới liên tục trầm trồ khi âm nhạc nối tiếp âm nhạc được vang lên tại chương trình. Các bản phối được làm lại đến mức “thượng thừa” cho từng ca khúc trong đêm nhạc, kể cả các bản rap cho Đen Vâu.

Phần trình diễn solo của Kitaro cũng mang đến chút tiếc nuối. Ngoại trừ Matsuri quá nổi tiếng, Kitaro chọn bản solo thứ hai là nhạc khúc Aqua, ít thông dụng hơn với công chúng Việt Nam. Nếu Kitaro khi ấy chọn chơi khúc Heaven And Earth (Land Theme) đến từ bộ phim Trời Và Đất – cũng là nhân duyên kết nối ông với Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1993 – thì có lẽ cuộc tái ngộ này sẽ thêm trọn vẹn. Và nhạc khúc Heaven And Earth rõ ràng quá phù hợp để vang lên tại một địa điểm tâm linh như vùng đất Cố đô Hoa Lư.

Thừa nhận một điều, Hà Anh Tuấn quá thông minh và khéo léo trong việc mời từng khách mời cho Chân Trời Rực Rỡ, các đặt để đi kèm được thu xếp nhuần nhuyễn, không thừa hay thiếu bất kì chi tiết nào. Tiết mục mở màn được hỗ trợ bởi những nghệ nhân rất trẻ, có người là chắt ruột của cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu. Một sự kết nối hoàn hảo giữa quá khứ và hiện tại, giữa âm nhạc dân tộc và âm nhạc hiện đại, lại vừa mang tính khích lệ rất lớn cho lớp nghệ sĩ trẻ đang giữ gìn hồn cốt một bộ môn nghệ thuật cổ truyền đang dần mai một. Kế đến là Đen Vâu, nam rapper có “mẫu số chung” với Hà Anh Tuấn về sự tử tế, tôn chỉ sử dụng tiếng Việt giàu bản sắc và cũng là nhân vật để Hà Anh Tuấn cùng đồng hành để trao đi những khoản tiền từ thiện. Ông Kitaro xuất hiện vừa là một sự vinh hạnh, nhưng cũng như một “dấu triện” son đóng lên để bảo chứng cho tên tuổi Hà Anh Tuấn. Nghệ sĩ Vpop nào từng mời được một “tượng đài” tầm cỡ đến như vậy để tham gia sâu vào khâu sản xuất âm nhạc? 

Vẫn có những tiếc nuối, nhưng Hà Anh Tuấn đã có một Chân Trời thực sự Rực Rỡ tại quê nhà - Ảnh 11.

Hà Anh Tuấn cúi đầu trước Kitaro.

Vẫn có những tiếc nuối, nhưng Hà Anh Tuấn đã có một Chân Trời thực sự Rực Rỡ tại quê nhà - Ảnh 12.

Hà Anh Tuấn và Đen Vâu đã quyên góp 1 tỉ đồng từ 2 đêm nhạc cho các hoạt động thiện nguyện.

Tất cả những sự tạm gọi là “sắp đặt” ấy được làm vừa khéo để tạo nên một hiệu ứng tích cực lan tỏa, nhưng không bao giờ bị làm “quá tay” để mang về dị nghị. Trong đêm thứ 2, “tình tin đồn” đóng MV Tháng Tư Là Lời Nói Dối Của Anh – Thanh Hằng – cũng xuất hiện. Những tưởng sẽ có màn “tương tác” giữa Hà Anh Tuấn với nữ chính MV phía bên dưới nhưng không, anh vẫn giữ đúng mạch cảm xúc đang diễn ra cho khán giả.

Khán giả đến với Hà Anh Tuấn không chỉ vì riêng giọng hát, mà còn bởi chính sự tổng hòa tất cả các yếu tố để tạo nên những trải nghiệm nghệ thuật thăng hoa trong cảm xúc. Giây phút cuối cùng của Chân Trời Rực Rỡ, khi Hà Anh Tuấn xác nhận anh đang theo đuổi một giấc mơ lớn hơn: chinh phục Nhà hát Esplanade tại Singapore, khán giả bùng nổ trong sự hân hoan nhưng cũng không quá ngạc nhiên. Không khó để Vì rõ ràng, với Chân Trời Rực Rỡ, Hà Anh Tuấn đã tạo nên một tiêu chuẩn mới về tổ chức những đêm liveshow cá nhân như thế này của Vpop. Anh đã chạm đến giới hạn của thị trường trong nước và rõ ràng không có lí do gì Hà Anh Tuấn không hướng ra nước ngoài, mà trước mắt là ở khu vực Đông Nam Á. Hà Anh Tuấn quả thật đã có cho riêng mình một Chân Trời hết mực Rực Rỡ tại chính mảnh đất quê hương của anh!

Vẫn có những tiếc nuối, nhưng Hà Anh Tuấn đã có một Chân Trời thực sự Rực Rỡ tại quê nhà - Ảnh 13.

Ước tính đã có trên dưới 2 vạn khán giả xuất hiện trong 2 đêm diễn Chân Trời Rực Rỡ.

Vẫn có những tiếc nuối, nhưng Hà Anh Tuấn đã có một Chân Trời thực sự Rực Rỡ tại quê nhà - Ảnh 14.

Dẫu vẫn có một số tiếc nuối song không phủ nhận Hà Anh Tuấn thực sự đã có một Chân Trời hết mực Rực Rỡ ngay tại quê nhà.


Theo Minh Khôi

Theo

Alternate Text Gọi ngay