Văn hóa sử dụng vàng mã, tiền âm phủ
Chúng ta nên giữ việc đốt vàng mã như một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc để tỏ lòng thành kính với tổ tiên và ý nghĩa giáo dục với con cháu.
Hóa vàng, tiền âm phủ hay rải tiền âm phủ thường được sử dụng khi thờ cúng gia tiên, tiễn đưa người quá cố về nơi an nghĩ cuối cùng hay là viếng, vãn cảnh đền, chùa. Đây là một tập tục lâu đời của người dân Việt, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Cây có cội, nước có nguồn” và cầu mong sức khỏe, hạnh phúc, làm ăn may mắn cho gia đình và con cháu.
Một trong những mục đích của việc hóa vàng, tiền âm phủ hay rải tiền âm phủ là báo hiếu. Tâm người hóa vàng, tiền âm phủ sẽ cảm thấy yên lòng vì đã làm được điều gì đó để báo hiếu ông bà cha mẹ, tổ tiên và những người đã mất. Do phong tục này đã ngấm vào tâm trí mỗi người con đất Việt nên tới những ngày giỗ, ngày lễ mà không đốt vàng mã sẽ có cảm giác day dứt như mình chưa làm tròn bổn phận của người con, cháu.
Việc thờ cúng gia tiên như làm cơm, khấn, cúng, hóa vàng mã, tiền âm phủ không chỉ mang ý nghĩa báo hiếu với tổ tiên, ông bà cha mẹ mà còn mang ý nghĩa với người đang sống. Như một cách thầm giáo dục con cháu sống hòa thuận, sống có tâm có hiếu, sống tích cực luôn hướng tới những thiện trong cuộc sống.
Sử dụng vàng mã, tiền âm phủ làm nảy sinh và thúc đẩy một ngành nghề trong xã hội tạo công ăn việc làm cho một bộ phận dân cư.
Tiền âm phủ (nguồn ảnh internet)
Tuy nhiên, tục đốt vàng mã đang dần đi xa khỏi mục đích ban đầu tốt đẹp của nó, và đến bây giờ thì đã trở nên thái quá. Ngày xưa các cụ dạy: “Lễ bạc lòng thành”, đốt vàng mã là để con cháu nhớ đến tổ tiên, mong tổ tiên có được cuộc sống an lành ở thế giới bên kia, cầu mong và cũng là báo cho tổ tiên biết là con cháu sống yên ổn, ăn nên làm ra. Nhưng bây giờ ý nghĩa tốt đẹp đó đã nhường chỗ cho sự mê tín, cho rằng càng đốt nhiều càng được nhiều tài lộc, ganh đua nhau để đốt, “con gà tức nhau tiếng gáy”, nhà giàu có, nhà khó cũng cố theo, dẫn đến sự thái quá tràn lan trong toàn xã hội. Nhiều khi người ta quan niệm lễ vàng mã nhà mình phải to hơn nhà khác, nhưng tâm chưa chắc đã thành. Điều nguy hại nhất không phải là kinh tế, hay môi trường, mà là mê tín, và đang ngày càng bùng phát.
Trong khi đó một bộ phận không nhỏ, khi cha mẹ còn sống thì luôn bị hắt hủi, cơm ăn không no, thậm chí bắt ăn riêng, ở riêng, sống trong cảnh tủi nhục. Khi mất thì họ làm mâm cao, cổ đầy, mời khách linh đình. Những ngày rằm, lễ mua thật nhiều vàng mã, nhà lầu, xe hơi để cầu mong danh lợi, tiền tài cho bản thân và gia đình.Đây là những điều thật là vô lý.
Hàng mã có cả nhà lầu, xe hơi (Nguồn ảnh internet)
Nguồn gốc của việc sử dụng vàng mã, tiền âm phủ bắt nguồn từ Trung Quốc được lưu truyền vào Việt Nam. Thời xưa vua chúa, quan lại và các hộ giàu có của Trung Quốc khi mất thường những người hầu củng phải chôn sống theo và các đồ dùng, tiền, vàng, ngọc thật. Đến đời Tần Thủy Hoàng thấy điều này quá tàn bạo và lãng phí nên thay tùy táng (đồ vật chôn theo người chết) đã thay người bằng tượng gốm binh mã tùy táng, dần dần thay tiền, vàng thật bằng vàng mã và tiền âm phủ như ngày nay.
Có thể thấy vàng mã, tiền giấy ban đầu có ý nghĩa tích cực thay cho tiền thật, để tránh lãng phí. Vàng mã nhà lầu xe hơi, tiện nghi sinh hoạt… đều là thời hiện đại ngày nay mới sinh ra và có xu hướng càng ngày càng nhiều, đa dạng về số lượng chủng loại, và kích thước cũng ngày càng lớn.
Trong Phật giáo, đức Phật Thích Ca không hề dạy đốt vàng mã để cúng gia tiên. Theo quan niệm phật giáo, nếu chúng ta dâng vàng, nhà lầu, xe hơi, ti vi…. thì chỉ làm cho các vong linh luyến tiếc cõi trần mà không còn tĩnh tâm để tu tập vượt cảnh giới. Họ càng chìm sâu vào khổ đau trong cảnh giới ác đạo. Ngày 12/02/2018, thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa Thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực đã ký ban hành công văn 031 /CV-HĐT về việc cấm đốt vàng mã tại các chùa chiền để thực hiện đúng giáo pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni.
Có người còn đốt cả hình nộm gái đẹp để tặng bạn đã qua đời (Nguồn ảnh internet)
Tôi liên hệ với ông Lê Thanh Minh, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Quỳnh Lập để tìm hiểu quá trình thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang lễ, ông cho biết: Việc tổ chức tang lễ trên địa bàn xã thực hiện theo Quyết định số 17/2016/QĐ-UBND ngày 04/11/2016 của UBND thị xã Hoàng Mai về việc ban hành quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn thị xã Hoàng Mai. Cụ thể tại Khoản 7, Điều 13, quy định: “Hạn chế số lượng vòng hoa, bức trướng mang tính phô trương, lãng phí. Không được rắc vàng mã, tiền âm phủ trên đường đưa tang”. Trên địa bàn xã khi tổ chức tang lễ đều được cán bộ hội tuyên truyền, nên các gia đình có tang lễ điều chấp hành nghiêm. Không những thế trong các ngày giỗ, ngày lễ nhân dân chấp hành rất tốt việc đốt vàng mã, tiền âm phủ là rất hạn chế”.
Theo tôi, chúng ta nên giữ việc đốt vàng mã như một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc để tỏ lòng thành kính với tổ tiên và ý nghĩa giáo dục với con cháu. Nhưng nếu chúng ta cho rằng đốt vàng mã cho tổ tiên càng nhiều thì càng tốt lại là một sai lầm, cái gì cũng có chừng mực. Tín ngưỡng có nghĩa là tín nhưng phải có ngưỡng là vậy. Việc rải tiền âm phủ khi tiễn đưa người quá cố, theo tôi nghĩ là không nên vì khi ta rãi tiền giả, vàng mã vương vãi trên các tuyến đường khi đó chắt chắn sẽ bị dẫm đạp bởi các loài vật, thậm chí vương vãi những chỗ ô uế làm mất vẻ linh thiêng, tôn nghiêm đối người đã khuất. Chưa kể đến là ô nhiễm môi trường gây mất cảnh quan đường làng.
Nhận thức được việc rãi vàng mã, tiền âm phủ trong đám tang gây ô nhiễm môi trường, trong năm 2019, Đảng ủy xã Quỳnh Lập đã chỉ đạo cho cấp ủy các chi bộ thực hiện mô hình “Dân vận khéo”: “không rãi vàng mã, tiền âm phủ trong đám tang”.