Vì sao Apple chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam?
Tổ hợp công nghệ LG – Hải Phòng tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, TP Hải Phòng – Ảnh: NAM TRẦN
Theo Hãng tin Reuters, dây chuyền trên dự kiến đi vào hoạt động năm 2021.
Nguồn tin từ Hãng tin kinh tế Bloomberg cũng xác nhận các đối tác của Apple đã tăng cường năng lực sản xuất iPhone tại Ấn Độ và các công ty lắp ráp AirPod bổ sung một số dây chuyền lắp ráp tại Việt Nam, với khoản đầu tư mới 270 triệu USD vào Việt Nam.
Các chuyên gia quốc tế nhận định việc chuyển một số dây chuyền sản xuất iPad và MacBook ra khỏi Trung Quốc giúp đa dạng hóa hoạt động sản xuất và hạn chế những tác động của căng thẳng thương mại Mỹ – Trung.
Thực tế, các công ty đặt tại Đài Loan như Foxconn cũng đang tìm cách di dời cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc và đến một số nước như Mexico, Ấn Độ…
Trong khi đó, hiện một số AirPod đã được sản xuất tại Việt Nam. Năm 2021, thế hệ thứ ba của AirPod dự kiến cũng sẽ được sản xuất tại Việt Nam.
Trong 4 năm qua, Mỹ đã tăng thuế đối với các mặt hàng điện tử sản xuất tại Trung Quốc cũng như hạn chế nguồn cung linh kiện, ưu tiên sử dụng công nghệ Mỹ thay vì Trung Quốc vì lo ngại vấn đề an ninh quốc gia.
Do đó, việc di dời một phần sản xuất sang Việt Nam sẽ giúp giảm ảnh hưởng nếu căng thẳng thương mại trở nên tồi tệ hơn và có thể giúp ích cho việc duy trì sản lượng.
Việc các hãng công nghệ lớn của nước ngoài chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam chưa được xác nhận chính thức từ các cơ quan bộ ngành, song tại cuộc họp gần đây về “Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Đỗ Nhất Hoàng – cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư) – cho hay sau khi Thủ tướng thành lập tổ công tác về hợp tác thu hút đầu tư nước ngoài, đã có nhiều cuộc họp trực tuyến và các kênh khác để trao đổi, tìm hiểu thông tin về đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, tổ công tác đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ, dự án lớn… có giá trị hàng tỉ USD tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Ông Hoàng cho rằng Chính phủ Việt Nam đã thực hiện tốt việc cải thiện môi trường đầu tư trong những năm qua, đồng thời đã và đang thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn khiến các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế có nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế suất cao. Đại dịch COVID-19 gây các hệ quả nặng nề nên các quốc gia, các tập đoàn quốc tế đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu đầu tư nhằm tránh sự phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác.
Tuy nhiên, việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài sẽ theo hướng có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường. Trong đó, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.