Vì sao ‘Hoàng tử bé’ liên tục được tái bản?
Với văn phong trong trẻo, tươi sáng cùng câu chuyện giàu tính nhân văn, tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng của Pháp được nhiều thế hệ bạn đọc trong nước yêu thích.
Hoàng tử bé là sáng tác nổi tiếng của nhà văn người Pháp Antoine de Saint-Exupéry và được xếp vào hàng kinh điển của văn chương thế giới. Được xuất bản lần đầu năm 1943 ở Mỹ, tác phẩm này nhanh chóng được độc giả đón nhận. Nhiều thế hệ độc giả đã bị cuốn vào hành trình kỳ diệu của Hoàng tử bé ở hành tinh B612.
Một ấn bản Hoàng tử bé. Ảnh: Đông A.
Nhiều bản dịch, liên tục thay áo mới
Từ năm 1966 “đứa con tinh thần” nổi tiếng của Antoine de Saint-Exupéry đã được dịch ra tiếng Việt. Là một tác phẩm kinh điển, quen thuộc với độc giả, Hoàng tử bé vẫn có sức hút với các dịch giả. Đến nay, đã có khoảng 10 bản dịch của cuốn tiểu thuyết này ở Việt Nam.
Không dừng lại ở đó, các đơn vị xuất bản, phát hành sách liên tục “thay áo mới” cho tác phẩm kinh điển này, đã có khá nhiều ấn bản được phát hành ở trong nước, với phần hình thức được đầu tư công phu, cùng bản dịch mới.
Bản dịch Hoàng tử bé của nhà thơ Bùi Giáng (ra mắt năm 1966) đã khá nổi tiếng, được nhiều bạn đọc biết tới. Ở bản dịch này, dịch giả đã chuyển ngữ phóng khoáng, nhiều câu biền ngẫu được chèn vào tác phẩm, khiến dấu ấn của nhà văn bị phai mờ đi ít nhiều.
Không những thế, nhiều từ cổ ở bản dịch cũ đã không còn được sử dụng phổ biến, gây khó hiểu cho người đọc. Hoàng tử bé là tác phẩm quan trọng trong kho tàng văn chương thế giới, nó xứng đáng có một bản dịch mới phù hợp với môi trường văn hóa đương thời.
Năm 2013, nhân dịp 70 năm tác phẩm được xuất bản lần đầu, Công ty Nhã Nam phát hành bản dịch mới của dịch giả Trác Phong.
Dịch giả Trác Phong từng trả lời báo giới, lý giải sự thành công của Hoàng tử bé. Ông cho rằng trong giới sách vở, khó có tác phẩm nào lại mở rộng phổ đọc về cả tuổi trẻ lẫn tuổi già thành công được như tác phẩm của Antoine de Saint-Exupéry. Tuổi trẻ đọc nó để nuôi mộng bình sinh, còn tuổi già đọc nó để ngấm nỗi nhân sinh.
Sách Hoàng tử bé với minh họa của Nguyễn Thành Vũ. Ảnh: Kim Đồng.
Mảnh đất cho các họa sĩ thỏa sức sáng tạo
Trong khi nhiều ấn bản Hoàng tử bé đi cùng tranh do chính họa sĩ Saint-Exupéry minh họa thì Nhà xuất bản Kim Đồng quyết định “khoác áo mới” cho tác phẩm.
Năm 2018, Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt cuốn Hoàng tử bé với loạt tranh minh họa ấn tượng, đẹp mắt của họa sĩ trẻ Nguyễn Thành Vũ. Phần minh họa này đã thổi một luồng gió mới cho tác phẩm.
Họa sĩ Nguyễn Thành Vũ chia sẻ: “Khi nhận lời vẽ minh họa cho tác phẩm này, tôi thấy nó vừa là cơ hội, nhưng cũng mang lại cho mình không ít áp lực. Hoàng tử bé là tác phẩm mà tôi yêu thích, tôi đã đọc đi đọc lại nó nhiều lần và thấy mình trong Hoàng tử bé, tôi vừa yêu quý, vừa đồng cảm với nhân vật”.
Đây là một nhân vật quen thuộc với độc giả. Mỗi người đọc đều có một Hoàng tử bé cho riêng mình, nên khi vẽ, họa sĩ Nguyễn Thành Vũ cố gắng thể hiện tốt nhất, vừa bám sát nội dung tác phẩm gốc nhưng vẫn sáng tạo, thổi hồn vào bối cảnh nhân vật để người đọc thấy mới mà không xa lạ.
Mới đây, Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A đã phát hành bản song ngữ Việt-Pháp của tác phẩm này, với phần chuyển ngữ của Vĩnh Lạc. Sách bìa cứng, khổ lớn, được trình bày đẹp mắt.
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cũng phát hành cuốn Hoàng tử bé với bản dịch của dịch giả Nguyễn Tấn Đại. Nói về ấn bản mới này, bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, chia sẻ: “Bản dịch Hoàng tử bé của dịch giả Nguyễn Tấn Đại được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam lựa chọn để xuất bản vì đây là một bản dịch đạt chất lượng tốt, dịch từ nguyên bản tiếng Pháp, thể hiện được sự hồn nhiên, trong sáng, mơ mộng và lột tả được vẻ đẹp của ngôn ngữ tác phẩm gốc”.
Đồng thời, dịch giả khá tinh tường trong việc lựa chọn ngôi kể, và điểm nhìn để tác phẩm gần gũi với trẻ nhỏ mà vẫn thu hút được độc giả trưởng thành.
Với bản dịch này, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam được Quỹ Jean-Marc Probst Vì Hoàng tử bé (Jean-Marc Probst pour Le Petit Prince) trao tặng toàn bộ bản quyền ảnh minh họa gốc, có một số điểm khác biệt với các bộ ảnh đã xuất bản.
Bà Phượng hy vọng bản dịch mới sẽ mang đến những cảm nhận mới mẻ cho bạn đọc từ nội dung đến hình thức của tác phẩm. Một đoạn trích trong bản dịch Hoàng tử bé của dịch giả Nguyễn Tấn Đại và của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã được lựa chọn để làm ngữ liệu trong sách giáo khoa Ngữ văn 6 (Bộ Tri thức và Kết nối) nhận được phản hồi tốt của giáo viên và học sinh khi học tác phẩm.
Gần 80 năm qua, Hoàng tử bé đã thể hiện được sức sống mãnh liệt của mình trong lòng độc giả. Không dừng lại ở đó, tác phẩm còn là mảnh đất màu mỡ cho các họa sĩ và các đơn vị làm sách được thỏa sức sáng tạo.