Viết tiếp vụ mượn danh tỏi Lý Sơn: Công ty I AmV nói có sự “hiểu lầm”!?
Một sản phẩm của Công ty I AM V vừa được PV mua tại TP.HCM
Theo văn bản do ông Trần Minh Quang, CEO Công ty TNHH Sản xuất Thương mại I AM V gửi báo chí vào cuối tuần qua, công ty thu mua tỏi Lý Sơn là thông qua một nhà cung cấp có uy tín trên thị trường. Tại thời điểm tham gia chương trình (“Thương vụ bạc tỷ”-NV), công ty đang thu mua khoảng 25 kg tỏi Lý Sơn/tháng. Trong phần trả lời các shark, I AM V cho biết tổng doanh thu bán ra 300 kg tỏi/tháng đã bị nhiều người hiểu lầm đó là doanh thu đến từ tỏi Lý Sơn. Con số trên là tổng doanh thu của công ty trong một tháng đến từ nhiều nguồn sản phẩm khác nhau chứ không riêng tỏi Lý Sơn một nhánh. Và câu hỏi của shark là về doanh thu của công ty chứ không phải riêng một mặt hàng nào.
Giải thích theo kiểu lấp liếm
Tuy nhiên, đối chiếu với nội dung “đối thoại” giữa bà Lê Minh Hồng Phúc, thành viên I AM V và các shark trong “Thương vụ bạc tỷ”, dễ dàng nhận ra cách giải thích như trên của ông Quang là sự bào chữa khó chấp nhận. Cụ thể, trong chương trình bà Phúc vừa cầm lọ tỏi giới thiệu đến các Shark vừa nói, “hiện tại sản phẩm đem về doanh thu cao nhất của tụi em là sản phẩm tỏi cô đơn Lý Sơn 120 ngàn đồng một lọ và 1,2 triệu đồng/1 kg”. Ngay lập tức một shark hỏi, “tháng vừa rồi các em bán được bao nhiêu sản phẩm đấy?”. Bà Phúc liền trả lời, “tháng vừa rồi bạn em bán được 300 kg/1 tháng, nó rơi vào khoảng 550 triệu đồng”. Như vậy, câu hỏi của shark dùng để hỏi về sản phẩm tỏi cô đơn Lý Sơn theo lời giới thiệu quảng cáo của bà Phúc chứ không phải dùng để hỏi về doanh thu của công ty như cách biện minh của I AM V.
Trên bao bì thể hiện rõ ngày sản xuất
Về phần trình bày Công ty I AM V đang sở hữu 3 ha trồng tỏi Lý Sơn của bà Phúc tại chương trình, ông Quang cho rằng tại thời điểm tham gia ghi hình chương trình I AM V “đang có ý định” mở vùng nguyên liệu để mở rộng sản xuất nên có trình bày với các nhà đầu tư kế hoạch đầu tư cho vùng nguyên liệu trồng tỏi tại Lý Sơn. Lúc này công ty đã có đối tác đang sở hữu quỹ đất tại huyện Lý Sơn và đối tác có hứa chắc chắn sẽ góp mảnh đất vào tài sản chung để hợp tác với I AM V. Đây là kế hoạch trong tương lai sẽ được thực hiện nên công ty nhận có 3 ha, nhưng kết hợp này không thành công sau khi gọi vốn thất bại, dự định trên phải dừng lại. Thế nhưng trong chương trình, bà Phúc nói rõ “hiện tại chúng tôi kêu gọi số vốn 1,5 tỉ đồng để đầu tư vào các điểm bán ở các vị trí đẹp tại các trung tâm thương mại ở TP.HCM và Hà Nội”.
Như vậy, kế hoạch gọi vốn của I AM V là để phát triển điểm bán hàng chứ không phải phát triển vùng nguyên liệu như cách giải thích kiểu “lấp liếm” khó chấp nhận ở trên. Hơn nữa, trong văn bản yêu cầu đính chính thông tin gửi các đơn vị liên quan, UBND huyện Lý Sơn cũng khẳng định chưa có bất kỳ sự “thỏa thuận hay giao đất nào cho đơn vị hoặc công ty để làm vùng nguyên liệu sản xuất tỏi” trên địa bàn.
“Giấu đầu hở đuôi”
Theo thông tin của I AM V, công ty đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ nhãn hiệu sản phẩm I AM V, do một số nguyên liệu công ty này thu mua và sử dụng là tỏi Lý Sơn cho nhóm sản phẩm nên khi truyền thông đã sử dụng chữ “tỏi Lý Sơn một nhánh” để thông tin về nguồn gốc nguyên liệu. Tuy nhiên, văn bản của UBND huyện Lý Sơn khẳng định, công ty chưa được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể Lý Sơn, không thuộc Hội Sản xuất, kinh doanh và chế biến hành tỏi Lý Sơn nên không thể dùng chữ tỏi Lý Sơn hoặc tỏi cô đơn Lý Sơn để gắn nhãn, quảng bá.
Đáng nói hơn, trong thông tin báo chí của công ty này khẳng định “đầu năm 2018, tỏi Lý Sơn không còn nằm trong danh mục sản phẩm kinh doanh của I AM V nên công ty đã thay đổi toàn bộ bao bì sản phẩm và không sử dụng tên “tỏi Lý Sơn” trên bao bì sản phẩm và truyền thông nữa”. Thế nhưng, quá trình tìm hiểu của chúng tôi trên thị trường thì hoàn toàn ngược lại.
Trong vai khách hàng, chúng tôi liên hệ với một trang thương mại điện tử để mua sản phẩm tỏi đen cô đơn thương hiệu I AM V, khoảng hơn hai tiếng đồng hồ sau, chúng tôi nhận được sản phẩm “Tỏi đen I AM V” với nhãn mác 100% lên men tự nhiên – tỏi Lý Sơn một nhánh (loại 200g). Đặc biệt trên bao bì sản phẩm ghi rõ “Tỏi đen IAmV được lên men tự nhiên trong 60-70 ngày từ nguyên liệu tỏi trắng Lý Sơn, đặc sản Quảng Ngãi, Việt Nam). Ngày sản xuất: 20.4.2018, hạn sử dụng: 20.4.2021”. Điều này chứng minh rằng, I AM V đang ra sức “bao biện” cho kiểu khởi nghiệp gian dối, bất chấp sự phản ứng của dư luận, nhất là bức xúc của chính quyền và người dân huyện đảo Lý Sơn, vẫn tiếp tục ngang nhiên sử dụng trái phép thương hiệu “tỏi Lý Sơn” để đánh lừa người tiêu dùng.
Trong diễn biến khác, ông Nguyễn Văn Bách, quyền Cục trưởng Cục QLTT TP.HCM cho biết, đến nay vẫn chưa nhận được văn bản của UBND huyện Lý Sơn. Khi nhận được sẽ chỉ đạo cho bộ phận phụ trách địa bàn tiến hành kiểm tra xử lý theo quy định.
Trao đổi với Văn Hóa về nội dung phản hồi của công ty này, bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, cách giải thích của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại I AM V là không thỏa đáng và chưa đầy đủ. Để làm rõ sự việc, UBND huyện Lý Sơn sẽ yêu cầu công ty này cung cấp thông tin về nhà cung cấp nguyên liệu tỏi cho công ty để kiểm tra có đúng là tỏi Lý Sơn hay không?
HOÀNG HẢI