Ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y tế – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng

Ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y tế

Thứ tư – 19/02/2020 01 : 05

Trong những năm gần đây, Cao Bằng đã quan tâm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) rộng rãi vào các ngành sản xuất và đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực y tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh cho nhân dân.

Xem thêm: Trí tuệ nhân tạo AI là gì? Ứng dụng như thế nào trong cuộc sống?

Cao Bằng đang sử dụng hiệu quả 56 loại vaccine, trong đó có 8 loại vaccine sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng phòng chống bệnh trẻ em

Cao Bằng đang sử dụng hiệu quả 56 loại vaccine, trong đó có 8 loại vaccine sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng phòng chống bệnh trẻ em

Trong 15 năm qua, việc ứng dụng CNSH trong lĩnh vực y tế của nước ta đã được đẩy mạnh, trong đó, tất cả các bệnh lạ, bệnh nguy hiểm, các nhà CNSH của Việt Nam đều có khả năng chẩn đoán bằng việc ứng dụng kỹ thuật gen như: bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, dịch bệnh SARS, cúm A/H1N1, cúm AH5N1, cúm A/H7N9, các vi sinh vật có khả năng gây ung thư, vi khuẩn lao kháng thuốc…

Tiếp thu các thành quả ứng dụng CNSH trong lĩnh vực y tế của Trung ương, từ năm 2005 đến nay Ngành Y tế Cao Bằng đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều ứng dụng CNSH trong công tác phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh cho nhân dân, cụ thể:

Hiện nay, Cao Bằng đã và đang sử dụng các loại vắc xin được sản xuất bằng phương pháp CNSH tiên tiến nhất trên thế giới cũng như trong nước để đáp ứng nhu cầu phòng bệnh cho nhân dân, loại trừ một số bệnh truyền nhiễm lây lan trong cộng đồng, như: Công tác khám bệnh, chữa bệnh, công tác tiêm chủng mở rộng được duy trì thực hiện tại 100% xã, phường, đảm bảo chất lượng, không có tai biến sau tiêm chủng. Cụ thể, Cao Bằng đang sử dụng hiệu quả 56 loại vaccine, trong đó có 8 loại vaccine sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng phòng chống bệnh trẻ em: bệnh bại liệt, uốn ván trẻ sơ sinh, bạch hầu, ho gà, sởi, lao, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib và nhiều loại vaccine phòng bệnh khác như: quai bị, viêm gan A, đã tiếp cận chuyển đổi một số loại vaccine thế hệ mới: viêm não nhật bản, viêm gan siêu vi B, bệnh dại; Sử dụng các men vi khuẩn sống trong điều trị loạn khuẩn đường ruột; Ứng dụng phản ứng gắn kết men trong chẩn đoán một số bệnh virut: viêm gan siêu vi B, HIV; Ứng dụng các KIT chẩn đoán và thiết bị sinh hóa máu phục vụ chẩn đoán bệnh kịp thời.

Việc ứng dụng CNSH trong y học dự phòng được triển khai tốt, cụ thể: Ngành y tế đã ứng dụng công nghệ gen (kỹ thuật PCR, Real-time trong chẩn đoán sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm,…) phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh và sử dụng kỹ thuật PCR trong chẩn đoán Salmonella phục vụ công tác thanh kiểm tra nhà nước về An toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ vậy đã phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch bùng phát lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong, tạo được niềm tin trong nhân dân.
Trong chẩn đoán, điều trị bệnh, việc ứng dụng CNSH được thực hiện trong hoạt động phân tích miễn dịch, phát hiện một số protein có liên quan đến sự hình thành khối u, xác định sự có mặt của các loại vi khuẩn khác nhau… giúp cho các bác sĩ xác định bệnh một cách nhanh chóng và chính xác, như: Phương pháp Real time PCR: định lượng DNA HBV, RNA HCV trong chẩn đoán, theo dõi và điều trị các bệnh viêm gan B và C; phát hiện vi khuẩn lao; xác định genotype HCV; xác định các đột biến kháng Lamivudin của vi rút HBV; Phương pháp PCR: xác định type của vi rút sốt xuất huyết Dengue; vi rút HPV. Sử dụng một số sản phẩm CNSH trong điều trị như insulin chữa bệnh tiểu đường, kháng sinh, vitamin, enzyme, các chế phẩm chẩn đoán, thuốc chữa bệnh. Qua ứng dụng các kỹ thuật CNSH ngành Y tế phát triển một số mô hình, phương thức khám chữa bệnh mới có hiệu quả. Xây dựng quy trình ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong việc quản lý và giám sát công tác điều trị một số bệnh làm giảm lộ trình và kinh phí điều trị bệnh, làm giảm sự lan truyền bệnh trong cộng đồng.

Ngoài ra trong lĩnh vực y tế còn sử dụng các chế phẩm CNSH trong xử lý chất thải y tế, xử lý ô nhiễm, khắc phục sự cố môi trường. Toàn tỉnh có 15/16 bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế huyện, thành phố được đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn theo công nghệ lò đốt 2 buồng của hãng Chuwatstar Nhật Bản, 04 bệnh viện xử lý chất thải rắn y tế bằng công nghệ không đốt, thân thiện với môi trường (Bệnh viện đa khoa tỉnh xử lý bằng công nghệ vi sóng tích hợp nghiền cắt, công nghệ hấp ướt tại Trung tâm Y tế huyện Hòa An, Quảng Uyên và Trùng Khánh), 14/16 cơ sở y tế đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường (hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ AAO).

Nhờ ứng dụng CNSH, các tác nhân gây bệnh thường gặp như: giun, sán, tay chân miệng, sốt xuất huyết,… được nghiên cứu về chu trình sống, đường lây, khối cảm thụ, giúp thuận lợi hơn trong chẩn đoán xác định, đồng thời là căn cứ khoa học cho hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe để mỗi người dân đều có thể thực hiện tốt việc phòng bệnh cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả ứng dụng các thành tựu CNSH trong công tác y tế dự phòng, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị bệnh, đồng thời hướng đến đầu tư nghiên cứu, phát triển CNSH trong các lĩnh vực do ngành quản lý, Ngành y tế Cao Bằng đã xác định được một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện đó là:

Một là, ứng dụng CNSH trong việc xác định các vi sinh vật gây bệnh hỗ trợ cho công tác chẩn đoán, điều trị các bệnh truyền nhiễm và phòng chống dịch bệnh.

Hai là, ứng dụng CNSH trong chẩn đoán các đột biến kháng thuốc của các vi sinh vật gây bệnh, hỗ trợ cho việc quản lý và giám sát sự đề kháng thuốc của các vi sinh vật gây bệnh.

Ba là, ứng dụng CNSH trong chẩn đoán các đột biến trên gen hỗ trợ cho công tác chẩn đoán, điều trị các bệnh ung thư, các bệnh lý về di truyền học./.

Tác giả bài viết: BBT

Source: https://dvn.com.vn
Category: Công Nghệ

Liên kết:XSTD
Alternate Text Gọi ngay