Mr BIN

CHƯƠNG BẢY: TỨ ĐẠI CHIÊU THỨC NƠI CÔNG SỞ

CHIÊU THỨ NHẤT: “THƯỢNG ĐỘI HẠ ĐẠP”

Như Chó Sói đã từng đề cập ở những bài viết trước, có rất nhiều người đạt được chức vụ cao nơi công sở do thuần thục sử dụng cái mà Chó Sói gọi là “Tứ Đại Chiêu Thức”. Tất nhiên, có nhiều chuyện diễn ra ở công sở, nhưng đây là bốn hiện-tượng phổ biến nhất mà dân công sở đi làm hay gặp phải. Hôm nay chúng ta sẽ bàn về chiêu thứ nhất, có tên: “Thượng đội hạ đạp”.
Tương truyền, những người muốn thăng chức khi sử dụng chiêu thức này cần làm hai việc chủ yếu sau đây: Với cấp trên thì nịnh bợ hết cỡ, sai gì cũng làm không chút ý kiến, gọi là thượng đội, tức là coi cấp trên như ông bà nội; Với cấp dưới thì chà đạp hết cỡ, việc gì không thích hoặc khó làm thì giao hết cho cấp dưới làm, gọi là hạ đạp, cấp dưới có ý tưởng gì hay thì cướp công hết về phần mình.
Đối với dân công sở, đi làm mà gặp trúng sếp nhuần nhuyễn “Thượng đội hạ đạp” là chỉ có khóc-tiếng-Thái. Làm đầu tắp mặt tối mà công lao thì chẳng được ghi nhận, có ý tưởng nào hay ho, một là bị sếp cướp, hai là nếu sếp không cướp mà ý đó hay hơn ý sếp thì bị sếp vùi dập cho tan nát.
Có anh bạn của Chó Sói, sau khi sống dưới triều đại của một vị sếp “Thượng đội hạ đạp”, chịu không nổi bèn đánh liều “book” một buổi họp với sếp-trên-của-sếp, để đề bạt ý tưởng. Ý tưởng đó rốt cuộc được sếp-trên đánh giá rất cao, giao cho anh về triển khai. Vài ba tháng sau, anh ấy lên-đường.
Ấy, bạn nghĩ là tại sao?
Trước khi bạn đưa ra kết luận, Chó Sói cho bạn một gợi ý nhé. Ý tưởng đó thật sự đã được triển khai thành công, và anh bạn của Chó Sói cũng được tưởng thưởng rất nhiều.
Vậy thì tại sao…
Nếu bạn chưa nghĩ ra, bạn là người khá may mắn đấy, vì bạn chưa làm việc với một sếp quen “Thượng đội hạ đạp”. Cứ từ từ hỏi những người có-kinh-nghiệm, rồi người ta sẽ giải thích cho.
Còn nếu không có ai giải thích cho?
Không sao, kỳ sau, Chó Sói sẽ lại tiếp tục cùng bạn.

Xem thêm: Những dòng máy phun sương tạo độ ẩm tốt đáng mua nhất năm 2021

CHIÊU THỨ HAI: “NGẬM MÁU PHUN NGƯỜI

Đợt trước, Chó Sói đã từng hỏi bạn, rằng bạn có biết tại sao người bạn của Chó Sói lại phải rời bước khỏi công ty nhanh như vậy, cho dù dự án đó thật sự rất thành công???
Câu trả lời đến từ chiêu thức số hai.
Sau dự án đó, người bạn của Chó Sói được thăng chức, lên làm giám sát của bộ phận. Những tưởng chuỗi ngày cơ cực đã qua. Nhưng, mọi chuyện lại không đơn giản như vậy.
Làm giám sát, công việc của anh ấy bộn bề hơn. Không được sếp trên hỗ trợ, mọi chuyện khó khăn hơn rất nhiều.
Nhưng đó chưa phải là tất cả.
Khoảng nửa tháng sau, không hiểu sao mà các nhân viên cấp dưới của anh ấy lại thường xuyên chống đối anh ấy dữ dội. Công việc đã chất đống, nhân viên lại có thái độ lên xuống, anh ấy thường xuyên mệt mỏi và cáu gắt.
Rồi, một cấp dưới của anh ấy xin nghỉ việc.
Thế là, cả phòng ban bắt đầu rộ lên một câu chuyện: Anh ấy từ khi lên chức đã trở thành một con người khác, độc tài quá quắt, đến độ nhân viên không chịu nổi, phải xin nghỉ.
Câu chuyện không dừng lại ở phòng của anh, câu chuyện còn lan sang các phòng khác.
Rồi rất nhanh chóng, nó lan ra cả công ty.
Anh bạn của Chó Sói lại là người thẳng tính, mồm miệng không được khéo. Thế nên, chỉ một thời gian sau, mọi người tin nó đến nỗi, mỗi lần anh có ý kiến đóng góp, đều bị gán cho cái mác “độc tài”, không chịu nghe theo ý ai.
Dần dà, không ai chịu hợp tác với anh cả.
Quá mệt mỏi vì áp lực, công việc không hoàn thành, người ta lại bàn ra tán vào liên tục, chỉ ba tháng sau ngày được lên chức, anh ấy xin nghỉ.
Tất nhiên, sếp anh ấy chẳng giữ anh ấy lại. Ngày ký đơn xin nghỉ, sếp anh ấy chỉ nhìn anh ấy bằng con mắt thương hại, rồi nhẹ nhàng cười.
Anh bạn của Chó Sói đã rời khỏi công ty như vậy đó.
Bạn sẽ tự hỏi, thế thì liên quan gì tới chiêu thức số hai.
Mới đầu, anh bạn của Chó Sói cũng chả thấy có gì liên quan. Cho tới một ngày, anh ấy gặp cậu nhân viên đã từng xin nghỉ khi anh ấy lên làm giám sát.
– Sếp nói với em rằng anh vốn là người kiêu ngạo, lên chức thể nào cũng ra mặt với đời. Em lúc ấy mới vô làm, đâu biết tính ai như thế nào. Mà sau đó anh cũng hay la em, nên em càng tin vô lời sếp.
– Lúc em xin nghỉ, sếp cũng có đến nói chuyện với em. Sếp an ủi em nhiều, rồi cũng bóng gió nhờ em nói lại với các đồng nghiệp, rằng hôm nay là em, ngày mai lại tới người khác thôi.
– Em lúc ấy còn non, chẳng biết mình bị sếp dắt mũi. Giờ anh em ngồi lại, mới thấy hồi đó mình ngây thơ biết bao.
Đây, xin trân trọng giới thiệu với mọi người. Chiêu thức thứ hai mà sếp của anh bạn đó đã áp dụng, chính là “ngậm máu phun người.”
“NGẬM MÁU PHUN NGƯỜI”: dùng lời lẽ hoặc hành động vu khống người khác, đồng thời lan truyền tin đã vu khống trên diện rộng, bằng miệng mình hoặc thông qua những người cả tin khác.
Tuy hơi buồn, nhưng công sở cũng có lúc như vậy đấy. Mọi người đi làm, hãy cẩn trọng với những tin đồn về mình.

CHIÊU THỨ BA: “NÉM ĐÁ GIẤU TAY

Chó Sói có anh bạn làm truyền thông ở công ty bự bự (anh Hà Mã, cho tiện xưng hô), là nhân tài, nhưng mãi không được thăng chức, dù rằng sếp trực tiếp của anh ấy hỗ trợ hết mình. Mỗi lần “review” (ý chỉ kỳ đánh giá năng lực làm việc), sếp của anh Hà Mã đều chủ động xúc tiến sẽ thăng chức cho anh, nhưng rồi sếp trên chẳng bao giờ đồng ý.
Lần đầu thì “Sếp trên nói em chưa đủ kinh nghiệm làm quản lý”, lần hai thì “Sếp trên đang quan sát khả năng quản lý của em”, lần ba thì “Sếp trên nói em chưa hòa hợp được với đội ngũ”. Ba năm, anh bạn của Chó Sói quá nản, nên chia sẻ với sếp của mình rằng anh sẽ nghỉ việc, để chuyển qua một môi trường khác, được trọng dụng hơn.
Sếp của anh rất buồn, nhưng cũng thông cảm, và ủng hộ anh đi qua công ty mới. Sếp chỉ tiếc, là không thể giữ lại được một nhân tài như anh.
Anh Hà Mã chuyển qua làm truyền thông cho một công ty mới (làm game online, cũng bự bự).
Làm được một năm, anh vừa được thăng chức, thì sếp trực tiếp của anh nghỉ. Rồi không hiểu số đời đưa đẩy thế nào, sếp trên ngày xưa của anh lại về công ty game bự bự ấy làm, thay thế sếp trực tiếp của anh.
Khỏi nói, với tì vết ngày xưa, hai người làm việc chẳng suôn sẻ gì. Nhưng ở bên đây, anh Hà Mã đã có vị trí đáng kể, không còn như ngày xưa nữa. Thế là phòng ban loạn hết cả lên. Mấy “con” game mới, chiến lược cứ rối ào ào. Trên bảo dưới không nghe.
Ba tháng, quá mệt mỏi, sếp mới họp riêng với anh Hà Mã:
– Anh không hiểu được lý do em không hợp tác với anh?
Nói qua nói lại một hồi, nóng máu, anh Hà Mã mới thuật lại câu chuyện ngày xưa, định bụng nói ra rồi, coi như nghỉ việc lần nữa cũng chịu:
– Cái gì mà “chưa đủ kinh nghiệm”, cái gì mà “quan sát khả năng quản lý của em”, cái gì mà “không hòa hợp được với đội ngũ”, anh suốt ngày nhận xét bất chấp như vậy, ai mà làm việc được với anh.
Đang đinh ninh rằng sếp mới của mình sẽ nổi trận lôi đình, hay lao vào phân minh biện hộ, còn đang tính sẵn sàng về viết đơn nghỉ việc, thì thấy sếp chỉ trưng vẻ mặt ngạc nhiên, rồi nói với anh:
– Cái đó ngày xưa không phải là ý của anh.
Lần này, đến lượt mặt anh Hà Mã ngơ ngơ ngác ngác.
– Mấy lần anh hỏi anh H. (ý là sếp hồi xưa của anh Hà Mã), sao em làm việc tốt thế mà không cho lên chức, anh ấy nói em tuy chuyên môn tốt nhưng còn chưa đủ kinh nghiệm quản lý, cần quan sát thêm, rồi cần phải học cách hòa hợp với đội ngũ. Anh ấy là sếp trực tiếp của em, nên nhận xét thế thì anh đâu có ý kiến gì.
Cái các bạn vừa nghe, được gọi là “NÉM ĐÁ GIẤU TAY”.
“NÉM ĐÁ GIẤU TAY”: Ý chỉ những người là thủ phạm nhưng mưu mẹo che giấu, không để người khác phát hiện ra hành vi của mình.
Chắc các bạn sẽ thắc mắc, vậy động cơ của anh H. ở trên là gì?
Anh Hà Mã lúc đó không biết, sếp mới của anh cũng không biết, Chó Sói càng không thể biết.
Nhưng suy đoán mọi người có được, chỉ thường nằm ở một động cơ, đó là vì anh Hà Mã giỏi quá, nên anh càng lên cao, thì anh H. càng có khả năng mất chức của mình.
Tất nhiên, không phải ai cũng giỏi đến mức làm cho sếp của mình phải quan ngại, như anh Hà Mã. Nhưng trong công sở, hành vi ném-đá-giấu-tay vẫn thường xảy ra. Mở rộng ra, khi bạn nghe bất kỳ thông tin gì, thường là từ người thứ ba nào đó, thì nên gặp mặt người ta mà thủ thỉ hỏi coi. Đừng có cái gì cũng tin, cũng nghe từ một phía.

Bạn đang đọc: Mr BIN

CHIÊU THỨ TƯ: “MỀM NẮN RẮN BUÔNG

Ngày còn đi học, Chó Sói có một người chị, thân lắm, tính chị cũng hiền lành. Chị đi làm được 3 năm thì chuyển công ty. Công ty mới đông người, một phòng ban cũng gần bằng công ty chị ngày xưa, lương thưởng tốt.
Ấy vậy mà, ngày nào đi làm về cũng thấy chị khóc.
Chó Sói hỏi, chị bảo ở công ty có chị đồng nghiệp dữ lắm (ta tạm gọi là chị Cọp). Chị bảo chị Cọp rất hay la với đổ lỗi cho chị, hay viện cớ người cũ lấp liếm chuyện này chuyện kia. Chó Sói bảo công việc là công việc chứ chị, trách nhiệm rõ thế có gì mà đổ. Chị bảo tại chị mới vô nên chị Cọp hay nhờ chị làm chuyện này chuyện kia, bảo là muốn đào tạo cho chị mau giỏi?!
Cái Chó Sói mới hỏi tiếp:
– Thế người mới nào vô chị ấy cũng làm thế hả chị?
– Không, chỉ có chị thôi. Có bé nhân viên nhỏ hơn chị hai tuổi cũng mới vô làm, nhưng chị ấy không thế.
– Chị có biết vì sao không?
– Chị không rõ lắm, nhưng bé ấy nó “cứng” hơn chị. Mỗi lần chị ấy nhờ, nó đều bảo: “Chị cho em cái email là chị nhờ em làm và sẽ chịu trách nhiệm, như vậy em mới làm được.”
– Thế chị cũng nói như vậy đi.
– Thôi, làm thế mất hòa khí lắm…
Đi làm nơi công sở, bạn sẽ gặp không ít người giống chị Cọp. Ai hiền thì ép, ai dữ thì né ra. Trong công sở, ấy gọi là áp dụng chiêu thức số 4: “MỀM NẮN RẮN BUÔNG”.
Thật ra, so với những chiêu thức khác, thì chiêu này cũng có thể áp dụng một cách tích cực, có chọn lọc để xử lý một số tình huống. Tuy nhiên, nhìn chung, đây cũng là một chiêu thức mang tính “lợi dụng” tình thế, giống chiêu thức số 1 “THƯỢNG ĐỘI HẠ ĐẠP”.
Vậy nên, trong công sở, bạn đừng tỏ ra dễ bị bắt nạt quá. Cũng không cần giữ hòa khí quá mức cần thiết. Tất nhiên, Chó Sói không nói bạn đi gây lộn khắp nơi, không hỗ trợ gì mọi người. Nhưng, làm gì cũng phải có quyền và trách nhiệm rõ ràng. Nếu thấy không ổn, thì phải lên tiếng từ chối.
Từ chối người khác, trong công sở là thứ cần phải tập luyện. Tập nói chuyện. Điềm tĩnh mà cứng rắn. Đặc biệt dành cho những người mới.
Nhớ nhé, “rắn” thì người ta mới “buông”!

Source: https://dvn.com.vn
Category: Cảm Nang

Alternate Text Gọi ngay